Phạm Trần (Danlambao) - Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ
có mặt ở Việt Nam 12 giờ ngày 12/11/2013 nhưng ông đã biến đồng minh
hàng đầu ở vùng Đông Nam Á thành một tiền đồn của Nga ở Á Châu và Thái
Bình Dương.
Nhà lãnh đạo Nga nói với Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Nguyễn Phú Trọng:“Liên bang Nga coi trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác ưu tiên ở khu vực châu Á-Thái bình dương”.
Tại sao Nga đã làm như vậy?
Thứ nhất, sự hiện diện của Nga ở Á Châu đã lu mờ kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975 càng mờ nhạt hơn kể từ sau sự tan rã của Chủ nghĩa Cộng sản ở Liên Sô năm 1991.
Thứ hai, sức
mạnh quân sự và kinh tế của Nga từ hạng hai sau Mỹ đã tụt xuống hàng
thứ 3 sau Trung Quốc sau cuộc cải cách để “chỗi dậy” của Trung Quốc từ
năm 1978 dưới thời Đặng Tiểu Bình.
Thứ ba, ngoài
địa bàn quen thuộc Việt Nam trong thời chiến, ảnh hưởng của Nga tại
Đông Nam Á, đặc biệt tại hai nước láng giềng của Việt Nam là Cao Miên và Lào đã bị Trung Quốc khống chế.
Thứ tư, Nga
muốn hợp tác Quốc phòng cùng có lợi để vừa giúp canh tân hóa Quân đội
Việt Nam vừa sản xuất vũ khí của Nga tại Việt Nam cho thị trường Á Châu
và Thái Bình Dương.
Việc này đã được chính Tổng thống Putin tiết lộ trong bài viết trước khi lên đường qua Việt Nam. Ông nói kín đáo: “Lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự cũng có những kết quả mới về chất. Ở đây, chúng ta không
chỉ nói đến những lô hàng xuất khẩu mà hiện nay ở Việt Nam cũng đang
triển khai tổ chức sản xuất theo giấy phép đăng ký những trang thiết bị
kỹ thuật quân sự tiên tiến với sự tham gia của các công ty Nga.”
Chương trình tiếng Việt của Đài phát thanh “Tiếng Nói Nước Nga” đưa tin ngày 11/11/2013:“Nga
đang phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự
qua việc triển khai tổ chức sản xuất theo giấy phép những thiết bị quân
sự hiện đại nhất trong nước này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố.
Như
thông báo, theo khối lượng những hợp đồng đang thực hiện và chuẩn bị ký
kết, Việt Nam là một trong ba nhà nhập khẩu lớn nhất vũ khí của Nga.
Bước đột phá quan trọng thúc đẩy sự phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự
với Việt Nam là biên bản ghi nhớ liên chính phủ về chiến lược hợp tác kỹ
thuật quân sự cho giai đoạn đến năm 2020, được ký kết hồi tháng Mười
năm 2008. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử hợp tác hai nước, tổng
khối lượng các hợp đồng ký kết trong năm 2008 đã vượt quá 1 tỷ dollar.
Hiện nay khối lượng này được tính vào khoảng vài tỷ dollar.
Chỉ
trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua của Nga 32 máy bay chiến đấu
Su-30MK2, 12 tàu tên lửa cao tốc “Molnia” (Tia chớp) (2 chiếc giao thẳng
và 10 chiếc được cấp phép sản xuất), bốn tàu khu trục lớp “Gepard”, sáu
tàu ngầm của dự án 636 “Varshavyanka”
(Trong phân loại của NATO là tàu ngầm Kilo), một số tiểu đoàn tên lửa phòng không S -300PMU1 và nhiều loại vũ khí khác.”
Không có tiết lộ chi tiết nào về hợp tác Quốc phòng Việt-Nga trong chuyên thăm Việt Nam của Tổng thống Putin.
Tuyên bố chung Hà Nội chi viết
vắn tắt: “Hai bên ghi nhận hợp tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật
quân sự không ngừng phát triển và có độ tin cậy cao, phù hợp với các quy
định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn
định và phát triển bền vững tại Châu Á - Thái Bình Dương và đánh giá
cao quyết định thiết lập Cơ chế đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Bộ
Quốc phòng hai nước.”
Đồng minh quân sự?
Cũng
nên biết trong cuộc thăm Nga từ ngày 07 đến 10/08/2013, Bộ trưởng Quốc
phòng Việt Nam Đại tướng Phùng Quanh Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Nga,
Đại tướng Sergei Shoigu đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về “canh
tân hóa” quân đội CSVN.
Tướng
Thanh xác nhận: “Những nhu cầu phía Việt Nam đề xuất cơ bản phía Bạn
đều đáp ứng, trong đó Bạn đồng ý đào tạo cán bộ cho Việt Nam ở tất cả
các cấp, các lĩnh vực, các quân binh chủng và một số lĩnh vực khác.
Tiếp
theo là hợp tác về lĩnh vực kỹ thuật quân sự, hai bên đã bàn các biện
pháp tiếp tục triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã đạt được.
Phía Bạn thống nhất một số điểm: trước hết là những hợp đồng mua vũ khí,
trang bị kỹ thuật, phía Bạn bảo đảm chất lượng tốt, giá cả hợp lí và có
ưu đãi đối với Việt Nam.
Thứ ba, là vấn đề hậu mãi như sửa chữa, bảo dưỡng, cung cấp vật tư, phụ tùng, đảm bảo tuổi thọ của trang bị...
Thứ tư, là Bạn thống nhất với phía ta là có thể bàn hướng hai bên có thể liên doanh thiết lập các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng.”
Tướng Phùng Quanh Thanh nói thêm rằng: “Bạn
đã trao đổi nhiều tình hình, hai bên đều thống nhất về mặt quan điểm,
đánh giá; thống nhất về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc
hợp tác ngày càng sâu rộng hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng
góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực; quan hệ song phương không nhằm
vào nước thứ ba.”
(Phỏng vấn của VOV, Voice of Vietnam - Đài Phát thanh Quốc gia Việt Nam, 10-08-2013)
Chính sách Quốc phòng của Việt
Nam từng được Thứ trưởng Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh xác
nhận “3 không” gồm: “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng
minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ
quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.”
Như
vậy, liệu hợp tác mới về quân đội và vũ khí của Việt Nam với Nga sau
chuyến thăm Việt Nam ngắn ngủi ngày 12/11 (2013) của Tổng thống Putin có
nằm trong diện “không là đồng minh quân sự ” giữa hai nước như cam kết
của tướng Nguyễn Chí Vịnh không?
Nhưng
nếu Nga đã hợp tác chặt chẽ về Quốc phòng với Việt Nam thì phía Việt
Nam cũng đã có những tương nhượng thỏa mãn cho nhu cầu của Nga tại hải
cảng chiến lược Cam Ranh như:
- Để Nga thiết lập một cơ sở bảo trì và huấn luyện cho đội Tầu ngầm của Việt Nam.
- Sẽ đơn giản hóa một số thủ
tục cho tàu hải quân của Liên bang Nga khi ghé thăm hoặc làm dịch vụ hậu
cần kỹ thuật ở các cảng Việt Nam sẽ được nhanh chóng, thuận tiện.
- Thành
lập công ty hợp doanh Việt-Nga để sửa chữa, đóng tàu ở khu vực phi quân
sự của cảng Cam Ranh. Tướng Phùng Quanh Thanh nói với báo chí hồi tháng
3/2013 rằng cơ sở này sẽ sửa chữa tàu, tiếp dầu, tiếp nước, tiếp lương
thực thực phẩm, đón thủy thủ để vào bờ, tham quan nghỉ ngơi sau chuyến
đi đường dài trên biển.
Ông Thanh cũng cho biết: “Tổng
công ty Tân Cảng thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam được giao chủ trì,
có tham gia liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Công ty
Vietsopetro sẽ tham gia góp vốn. Nhưng ta làm chủ, chi phối, ta điều
hành, quản lý. Chủ quyền là của Việt Nam.
Cơ
sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, các dàn khoan, các dịch vụ của dầu
khí này phục vụ dịch vụ cho các tàu của bất kỳ một nước nào, trong đó có
LB Nga.”
-
Việt Nam cũng đã đồng ý để cho Nga bỏ vốn 100% xây dựng trung tâm nghỉ
dưỡng ở Cam Ranh trong năm 2013 theo diện dự án đầu tư nước ngoài ngang
hàng với Khách sạn 5 sao. Ông Thanh cho hay Nga dành cho Việt Nam quyền
quản lý, điều hành. Phía Nga cũng sẽ gửi một số người tham gia cùng
quản lý khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nga
chính thức rút khỏi Cam Ranh năm 2002, sau khi hết hạn thuê mướn và
Việt Nam cũng đã tuyên bố không để Cam Ranh biến thành một căn cứ quân
sự của nước ngoài. Tuy nhiên, dù không có hợp đồng thuê mướn nhưng Cảng
Cam Ranh sẽ trở thành trạm dừng chân thường xuyên quan trọng của lực
lượng Hải Quân Nga.
Các tầu hải quân Mỹ cũng đã ra vào vịnh Cam Ranh để bảo trì theo nhu cầu.
Nga và biển Đông
Thứ năm, Nga muốn có tiếng nói trong các giải pháp giải
quyết xung đột ở Biển Đông qua sự hiện diện của các Công ty tìm kiếm dầu
và hơi đốt của Nga liên doanh và hợp tác với Việt Nam nhằm ngăn chặn
các hành động xâm chiếm và đe dọa lưu thông trên Biển Đông của Trung
Quốc.
Bắng chứng hai bên đã đồng thuận trong cuộc họp giữa ông Putin và Chủ tịch Nhà nước Việt Nam Trương Tấn Sang hôm 12/11/2013: “Khẳng
định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác
dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, trước
hết là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Lãnh
đạo hai nước đánh giá cao kết quả hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, cụ
thể là việc triển khai các dự án hiện có và thúc đẩy các dự án mới tại
Việt Nam và Liên bang Nga, bao gồm mở rộng khu vực thăm dò và khai thác
dầu khí, nghiên cứu cung cấp khí hóa lỏng cho Việt Nam và tiêu thụ nhiên
liệu động cơ. Hai bên bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Tập
đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Gazprom và Công ty cổ phần mở
Zarubezhneft mở rộng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam
và Liên bang Nga.
Hai
bên đã đạt được thỏa thuận về việc tạo điều kiện cần thiết để Tập đoàn
Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Gazprom (Công ty Gazpromneft) hợp
tác đầu tư, quản lý, vận hành, nâng cấp và mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung
Quất trên cơ sở bảo đảm cung cấp dầu thô dài hạn và áp dụng chính sách
thuế hợp lý trong suốt thời gian hoạt động của liên doanh tại Việt Nam
phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế của Việt Nam. Hai bên sẽ triển
khai sớm ký kết Hiệp định liên Chính phủ về việc này.”
Riêng
khi đề cập đến những tranh chấp lãnh thổ và biển đạo trong khu vực, cả
Nga và Việt Nam đều tránh nói đến Trung Quốc và các nước khác có tranh
chấp chủ quyền với Việt Nam.
Nhưng hai nước đã bày tỏ quan điểm: “Hai
bên nhận thấy vai trò ngày càng tăng của khu vực Châu Á - Thái Bình
Dương trong các vấn đề quốc tế, chủ trương tăng cường hợp tác trong khu
vực nhằm bảo đảm hòa bình lâu dài, ổn định và phát triển bền vững tại
khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò tích cực và xây dựng của
Liên bang Nga trong khu vực. Tổng thống Liên bang Nga V.Putin hoan
nghênh uy tín và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hai Bên ủng hộ việc thành lập ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương một
cấu trúc an ninh mở, không chia tách, minh bạch, bình đẳng và hợp tác,
được xây dựng trên các quy định của luật pháp quốc tế, nguyên tắc không
liên minh và tính đến lợi ích hợp pháp của tất cả các nước.
Hai
bên cho rằng các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không
gian Châu Á - Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa
bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở luật
pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp
Quốc về Luật biển năm 1982. Hai bên nhất trí ủng hộ việc thực hiện
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm thông
qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính rằng buộc pháp lý cao
hơn.”
Đáng
chú ý là cả hai bên đều cổ võ giải quyết tranh chấp bằng “biện pháp hòa
bình” và cùng chống “sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” và
tranh chấp phải giải quyết dựa trên “luật pháp quốc tế, nhất là Hiến
chương Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm
1982”.
Đây
là điểm khác biệt quan trọng so với thỏa thuận “hợp tác trên biển” ghi
trong “Tuyên bố chung về quan hệ Việt - Trung thời kỳ mới” ngày
15/10/2013 giữa hai nước Việt - Trung sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ
tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Trong
Tuyên bố đó, luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước
của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 là những văn kiện pháp lý quốc
tế có lợi cho Việt Nam đã không được ghi vào, nhưng không rõ Việt Nam có
bị ông Lý Khắc Cường ép phải chấp nhận như thế hay ông Nguyễn Tấn Dũng
đã không dám chống lại?
Thứ
sáu, ngoài những điểm then chốt nêu trên Nga còn muốn giúp Việt Nam
“hạt nhân hóa” kỹ nghệ điện để giảm thiểu sự lệ thuộc của Việt Nam vào
Trung Quốc trong lĩnh vực điện năng để bảo vệ an ninh kinh tế và quốc
phòng.
Tuyên bố chung Hà Nội (12/11/2013) chứng minh: “Hai
bên nhấn mạnh ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, chú trọng
triển khai dự án hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I với
công nghệ hiện đại, an toàn, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao
theo đúng tiến độ đã được hai bên thỏa thuận và phù hợp với pháp luật,
quy định của hai nước.
Hai
bên nhất trí thúc đẩy đàm phán ký kết Hiệp định giữa Chính phủ nước
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về điều
kiện cung cấp tài chính cho việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công
nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Hiệp định sẽ xem xét việc phía Nga hỗ trợ
lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật cho việc xây dựng Trung tâm này. (ước
lượng 8 tỷ dollars)
Nhằm
phát triển ngành năng lượng hạt nhân của Việt Nam, phía Nga khẳng định
tiếp tục hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho các chuyên gia, nhà khoa
học, cán bộ quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt
nhân vì mục đích hòa bình và sẵn sàng tiếp nhận sinh viên Việt Nam sang
học chuyên ngành hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga. Hai
bên ghi nhận cần mở rộng hợp tác giữa các cơ quan liên quan của hai nước
nhằm xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn năng lượng hạt nhân quốc gia
hiệu quả và minh bạch.”
Không phản bội nhau?
Để chứng tỏ thiện chí của một đồng minh lâu đời đối với Việt Nam, trước khi đến Hà Nội, Tổng thống Putin viết: “Tình
hữu nghị giữa Nga và Việt Nam đã vững vàng vượt qua những thử thách nảy
sinh từ nhiều sự kiện bi thương của thế kỷ XX cũng như những biến đổi
kỳ vĩ trên thế giới và ở hai đất nước chúng ta.
Tuy
nhiên, có một điều còn mãi không bao giờ thay đổi, đó là quan hệ tôn
trọng lẫn nhau, truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau, biết trân
trọng sự giúp đỡ vô tư không hề vụ lợi của những đối tác không khi nào
phản bội nhau…”
“…Hai
nước chúng ta được kết nối bởi những quan điểm phần nhiều tương đồng về
những vấn đề thuộc chương trình nghị sự thế giới. Chúng ta đang cùng
nhau tìm kiếm phương thức đối phó với những nguy cơ và thách thức mới.
Chúng ta bảo vệ tinh thần thượng tôn pháp luật trong công việc quốc tế,
bảo vệ tính chất duy nhất không gì thay thế của những công cụ chính
trị-ngoại giao trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền của bất kỳ quốc
gia nào được tự mình lựa chọn con đường phát triển.
Tất
cả những điều đó đang đảm bảo cho mối quan hệ đối tác chiến lược
Nga-Việt, mối quan hệ mà chúng ta có đầy đủ cơ sở để gọi là quan hệ đối
tác chiến lược toàn diện, có sự phát triển cao.”
Ông Putin cũng nói: “Trong
năm vừa qua, kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương đã tăng 20% và đạt
3,66 tỷ USD. Kế hoạch chung là đưa con số này lên 7 tỷ USD vào năm
2015. Và tiếp đó, tới năm 2020 sẽ là 10 tỷ USD.”
Nếu
so với Trung Quốc, đến năm 2015, mậu dịch Việt-Trung sẽ tăng đến 60 tỷ
dollars nhưng không thể lường trước con số có bao nhiêu tỷ dollar hàng
hóa của Trung Quốc sẽ nhập siêu vào Việt Nam ở thời ký đó. Chỉ biết
rằng, mỗi năm Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc trên 10 tỷ dollars, trong
khi hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ bằng 1/10 hàng
Trung Quốc vào thị trường Việt Nam.
Sự
chênh lệch mậu dịch đã khiến Việt Nam mắc nợ và đẩy Việt Nam lệ thuộc
vào kinh tế và chính trị với Trung Quốc ngày một sâu đậm hơn.
Nhưng
liệu Tổng thống Nga Putin có khả năng gỡ Việt Nam ra khỏi gông cùm Trung
Quốc hay chính những thỏa hiệp hợp tác ông vừa chứng kiến ký tại Hà Nội
ngày 12/11/2013 sẽ kẹp Việt Nam vào giữa gọng kìm của Nga - Hoa?
(11/2013)
No comments:
Post a Comment