Thursday, January 29, 2015

Nhà văn Võ Thị Hảo - Cơn sốt rét ác tính của các nhóm quyền lực

Thứ Năm, ngày 29 tháng 1 năm 2015

viết từ Hà Nội



Từ 15/12/2014 đến nay, mỗi ngày blog Chân dung quyền lực lại thường thong dong thả ra một bài. Mỗi bài như một phần của khối u băng hoại được màn hình nội soi từ trong ruột của bộ máy quyền lực cao nhất của Việt Nam hiện thời trình ra cho dân chúng xem.

Chờ đợi chân dung những “đồng chí chưa bị lộ”

Dù chưa rõ độ xác thực của thông tin mà blog này đưa ra, nhưng đúng như tên của blog, chân tướng của nhiều nhân vật trong một bộ máy quyền lực tham lam, cánh hẩu, siêu trộm cướp và siêu vô đạo đang hút máu nhân dân và đất nước VN đã được khắc họa một cách cụ thể, sắc nét đến mức người ta khó mà không tin.

Dẫu lâu nay người dân cũng đã hình dung sự băng hoại cao nhất của vô số nhân vật có quyền lực trong bộ máy, nhưng cũng không thể không sốc và công phẫn trước những chi tiết, hiện trạng đã được trang blog này nêu ra, với những tiêu đề sốc như “Cục u bướu di căn...” “Liên minh đen tối hút máu quân đội và nhân dân…” “Đề nghị TƯ thanh tra khối tài sản hàng ngàn tỉ…” Điều đáng nói, đây chỉ là một phần những chân dung trong bộ máy quyền lực. Người ta có thể rùng mình khi nghĩ rằng nếu tất cả các chân tướng của những “đồng chí chưa bị lộ” đều được đưa ra ánh sáng thì còn kinh khủng tới mức nào?

Nếu đúng như vậy, cộng thêm với những tư liệu từ blog Quan làm báo, Dân làm báo… cũng đang đưa những tội ác và sự tham nhũng của bộ máy cầm quyền, và mặc dù chưa được kiểm chứng, nhưng không phải không có những chi tiết và chứng cứ khiến người ta muốn tin, thì phải chăng đây là bộ máy quyền lực tội lỗi và tham lam nhất trong lịch sử VN từ cổ chí kim?!

Và mỗi ngày, người ta lại vào Chân dung quyền lực, để đón xem về những “đồng chí chưa bị lộ” mà dân thừa biết là nếu lộ ra thì cũng… ghê sợ không kém.

Cơn sốt rét ác tính

Chân dung quyền lực – thế lực truyền thông mạnh nhất trong những trang báo mạng “lề trái” hiện đang nhân danh quyền lợi của nhân dân VN để đưa ra các thông tin tố cáo rất cụ thể, đã gây ra một cơn “sốt rét ác tính”, run rẩy đến tận chân răng của giới quyền lực.

Số người truy cập tăng từng giây, nhảy múa trước những con mắt và cái miệng tham lam vô đáy của các quan chức “tay đã nhúng chàm”. Lượng truy cập tăng gần triệu lượt mỗi ngày trong thời gian gần đây, khi công chúng khao khát tìm biết những kẻ mà họ vốn phẫn uất và khinh miệt đã và đang dùng cách nào để cướp đoạt miếng ăn và tương lai của họ, con cái họ. Họ cố gắng “bói” xem đằng sau vở kịch này là phe nào đang đấu với phe nào và phấp phỏng chờ kết cục để an ủi cho sự bất lực của chính mình. Với người dân VN, dẫu sao đó cũng là một bữa tiệc thông tin mà họ bỗng nhiên được thưởng thức.

Muốn “cắt cơn sốt rét” này của các đồng chí đã bị lộ và chưa bị lộ, đồng thời minh oan cho những đồng chí bị vu oan giá họa bởi “lề trái”, có một diệu kế.

Đó là phải đánh tan tác bọn “lề trái”, trong đó có Chân dung quyền lực. Việc này tưởng khó mà lại cực dễ. Bằng cách báo “lề Đảng” chiếm hết thông tin, hớt tay trên của bọn lề trái.

Hiến kế cắt cơn sốt rét: Bất chiến tự nhiên thành

Nhưng bọn lề trái là bọn nào mà kinh khủng và láo xược thế? Bọn này từ trước đã ghê, bây giờ chúng lại có thêm Chân dung quyền lực nhập bọn, mà chúng vẫn âu yếm gọi là “anh Lực”. Chẳng biết anh Lực động cơ thế nào, có nhập bọn lâu không, nhưng quả là ba đầu sáu tay. Càng kêu gọi trừ khử bọn diễn biến hòa bình, chúng càng trở nên ghê gớm.

Thực ra, lề trái là “con đẻ” của lề Đảng.

Đó là hậu quả nhỡn tiền của việc bưng bít thông tin, của việc có những nhóm người luôn đứng trên pháp luật và quyền lợi của nhân dân, đất nước.

Đó mới là kẽ hở cho bọn lề trái gia nhập mạng thông tin. Nhất là khi lề trái lại còn có khả năng đưa thông tin theo kiểu chuyên nghiệp, “nói có sách mách có chứng” từ ruột đưa ra. Lại là những thông tin lại về tội ác tày trời, về khối tài sản khổng lồ do tham nhũng và trộm cướp của nhân dân mà có, về nhiều nhân vật lãnh đạo cao nhất cùng cái sân sau thân hữu, quyền lợi nhóm, sự buôn quan bán tước của những nhân vật này, lâu nay vẫn bị xì xào bàn tán, bị nghi ngờ nhưng không bao giờ được phát lộ bởi họ là những người đứng trên pháp luật VN, báo chí truyền thông không thể tiếp cận, chạm đến là chết… Thông tin ấy do hiếm nên trở thành vô giá.

Nhưng cần biết rằng bọn báo lề trái cũng có tử huyệt. Đâm trúng tử huyệt chúng là bất chiến tự nhiên thành.
Tử huyệt của bọn lề trái rất nông cạn. Chúng chỉ là loài ký sinh thông tin. Chúng chỉ sống được trên làn rêu ẩm ướt tối tăm của sự bưng bít thông tin, dối trá thông tin, bạo lực thông tin, bè phái thông tin của các vị quan chức từ trên xuống dưới. Chúng là lũ chuyên dùng từ điển ngược, như dùng “kính chiếu yêu”, soi ra gương mặt dị dạng của những thông tin lừa bịp hoặc che giấu.

Vậy thì cắt cái chỗ ký sinh thông tin là diệt được bọn báo lề trái, chấm dứt cuộc chiến mà ta hô hào bao lâu nay, tốn kém bao nhân tài vật lực và tạo ra cho ta những cơn sốt rét.

Để đánh cho tan tác bọn báo lề trái trong đó có Chân dung quyền lực, chỉ có một loại thuốc chữa, là những nhà lãnh đạo cao nhất hãy chỉ đạo và tự mình bỏ ngay luật rừng nếu có sử dụng. Là đảm bảo chỉ tuân thủ điều 6 và những điều khác của Luật phòng chống tham nhũng hiện hành và yêu cầu các báo lề Đảng phải đưa tin ngay lập tức về sự thật, có sao viết vậy, vét sạch thông tin không để cho bọn lề trái bất cứ mẩu xương nào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và Thủ tướng Việt Nam cùng Trưởng Ban phòng chống tham nhũng, Bộ công an, Thanh tra chính phủ, Bộ quốc phòng, ngành điều tra, kiểm sát và tòa án chỉ cần sực nhớ ra Luật phòng chống tham nhũng, Luật Hình sự và Luật báo chí… để thực hiện, cùng vào cuộc điều tra làm rõ xem những thông tin mà các trang mạng đưa ra có đúng không hay là sự vu cáo để xử lý thích đáng.

Trong khi chỉ đạo, kẻ nào bao che, đưa thông tin không trung thực thì “hốt liền”. Kẻ nào dùng côn đồ cấu kết với công an dọa dẫm hành hung người tố cáo, như cách giật băng tang trên vòng hoa người chết vừa rồi, thì xem có dây mơ rễ má gì với bọn đó không mà cũng tùy tội là “hốt theo”. Nếu điều tra ra, thì các đồng chí cũng có công lớn nhất trong việc kiếm tiền bằng cách thu hồi tài sản tham nhũng về cho đất nước.

Còn ngành truyền thông, thay vì đã sốt sắng nâng tầm cho những tố cáo của báo lề trái tầm lên mức “loại tội phạm này có thể xếp vào những nguy cơ an ninh lớn nhất cho đất nước và như ở Anh, loại tội phạm này có thể xếp ngang hàng tội tấn công khủng bố, thảm họa hạt nhân…” (Lời của một ông Thứ trưởng), thì bây giờ hãy chống khủng bố, chống thảm họa hạt nhân bằng cách đánh tan tác bọn báo lề trái, cắt cơn sốt rét ác tính cho nhà cầm quyền.

Trách nhiệm của quan chức ngành truyền thông là phải tuân thủ ngay điều 6 của Luật Phòng chống tham nhũng, chỉ đạo toàn ngành truyền thông Việt Nam phải đi vào cuộc làm phóng sự điều tra để làm rõ trắng đen, bảo vệ kịp thời những “cây ngay không sợ chết đứng”, bãi bỏ các “vùng cấm” thông tin, theo quy định “công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng” (điều 6 Luật Phòng chống tham nhũng). Kẻ nào chống tự do ngôn luận, đe dọa phóng viên và người tố cáo, đương nhiên kiến nghị cơ quan chức năng “hốt liền”.

Một khi đã như thế, điều tra đến đâu công bố xử ly đến đó, báo lề Đảng cắt hết nguồn ký sinh thông tin của bọn báo lề trái, những dạng như “Chân dung quyền lực” chỉ biết ngồi liếm mép mà chết héo thôi.

Một khi đã như thế, làm gì còn tình trạng bọn báo lề trái đưa ra cái gì thì được người đọc khao khát hút lấy như người đang khát nước gặp mưa. Số lượng truy cập trang Chân dung quyền lực cứ tăng vùn vụt từng giây và có ngày tăng lên cả triệu lượt người đọc.

Nếu thế, chỉ trong vòng một tháng, không chỉ Chân dung quyền lực mà đến Quan làm báo, Dân làm báo và vô số trang mạng “lề trái” khác cũng phải im tiếng, đóng cửa về nhà đi chăn mèo, vì không thể cạnh tranh thông tin được với cả ngàn tờ báo lề Đảng đang răm rắp nằm chờ trong ống tay áo của Ban Tuyên giáo TƯ và sẵn sàng lao ra nhanh nhất có thể khi được lệnh đăng tải.

Sẽ có những Chân dung quyền lực khác?

Những keo đấu vật giữa các nhóm quyền lực và quyền lợi ngày càng lộ rõ, nếu căn cứ và theo dõi thông tin trên cả nhóm lề Đảng và lề trái - nhiều người cho rằng rất nhiều khi báo lề trái là báo lề Dân.

Sự ăn miếng trả miếng trả miếng đã rõ ràng. Có những cú đấm xoay chuyển tình thế 180 độ giữa các phe nhóm. Ai nắm được kho tiền và kho bổng lộc, người đó rốt cuộc sẽ thắng? Ai nắm được thủ túc trong nghành công an và an ninh, người đó sẽ có khả năng tung ra những cú động đất và những cơn sốt rét ác tính làm loãng máu đối phương? Ai bán nước nhanh gọn một cục hơn cho Trung quốc, để có cả một đại lục và tình báo Hoa Nam hậu thuẫn phất cờ ván chót?

Và phần thắng cuối cùng mong rằng không cũng chỉ để vào tay một con tắc kè khổng lồ sẵn sàng đổi màu, sẵn sàng tráo trở đổi sinh mạng nhân dân và đất nước VN cho quyền lợi cá nhân và quyền lợi nhóm, dù họ nhân danh ai?!

Sẽ có những Chân dung quyền lực khác trong tương lai? Chắc chắn là có, dù dưới hình thức này hay hình thức khác. Vì đối phương không thể không phòng vệ và trả miếng. Đó là quy luật sinh tồn.

Ai hưởng lợi trong cuộc đấu này?

Mong rằng diễn biến không như nhiều lần trước.

Hiện trạng nhiều lần trước đây cho thấy, dẫu chứng cứ tố cáo tham nhũng có chính xác và thuyết phục đến đâu, cũng chỉ là những ngón đòn tạm thời các đối thủ ra oai với nhau trong những phút cuối giành quyền lực mà thôi. Rồi họ sẽ ngồi quanh bàn bầu dục tròn. Không ai làm gì ai cả bởi nhìn ai cũng có “ngón tay thứ sáu”, có nét sinh ra cùng cha cùng mẹ, không đánh chuột bởi chuột đã chính là bình. Sau khi ngã ngũ trong cuộc chiến quyền lực, các đối thủ lại thỏa hiệp với nhau một cách mau lẹ, dẫu không đoàn kết nhưng lại rất dễ thỏa thuận im lặng để đắm say trong lạc thú chia chác các chiến lợi phẩm có được từ việc xẻo thịt đất nước và nhân dân Việt Nam.

Dẫu sao, khi có cuộc chiến thông tin giữa các thế lực cầm quyền, là đã manh nha cho các cuộc cạnh tranh chính trị giữa các nhóm lợi ích. Dẫu đang sơ khai nhưng độ khốc liệt của nó sẽ đẩy nhanh tốc độ trưởng thành.

Cuộc chiến ngày càng gay cấn thì dân càng được lợi. Hóa ra, đôi khi những cuộc chiến quyền lực độc tài nhất cũng phải tựa vào chút lợi ích của quyền tự do ngôn luận.

Nhà văn Võ Thị Hảo, viết từ Hà Nội 

Phúc trình Tự Do Trên Thế Giới 2015: Việt Nam ‘không có tự do’

“Tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ. Điều này đã chứng tỏ qua các báo cáo của những tổ chức xã hội dân sự...Nhà cầm quyền cộng sản ngày càng trở nên hung bạo hơn và đàn áp người dân đủ mọi giới vì họ thấy rằng dân đang đứng lên đòi hỏi các quyền của mình từ những người nông dân đòi đất, người lao động đòi tiền lương, các tín đồ đòi tự do tôn giáo, tới các nhà đối kháng đòi dân chủ. - Linh mục Phan Văn Lợi.

VOA | Cập nhật 29/01/2015
Cảnh sát đứng gác bên ngoài Toà án nhân dân TPHCM.
Cảnh sát đứng gác bên ngoài Toà án nhân dân TPHCM.
Việt Nam tiếp tục bị đánh giá là không có tự do trong phúc trình về Tự do trên thế giới 2015 vừa được tổ chức Freedom House có trụ sở tại Mỹ công bố hôm nay.
Khảo sát của Freedom House về quyền chính trị và các quyền tự do dân sự tại 195 quốc gia trên toàn cầu năm nay xếp Việt Nam mức điểm thấp nhất về hạng mục quyền tự do chính trị 7/7, nghĩa là người dân không hề có quyền tự do chính trị trong nước.
Về các quyền tự do dân sự, Việt Nam được 5/7 điểm. Xét điểm tổng thể về tự do, Việt Nam được 6/7, tức mức gần thấp nhất trên bảng xếp hạng.
Freedom House nói nhìn chung nền dân chủ thế giới trong năm qua bị xuống cấp phần lớn là do các cuộc tấn công khủng bố và những chính sách tàn bạo hơn của các chế độ độc tài. Với khảo sát vừa công bố, tự do trên thế giới bị tuột dốc trong 9 năm liên tiếp.
Trong số 195 nước được đánh giá, 46% được xem là có tự do, 28% tự do một phần, và 26% là không có tự do, trong số này có Việt Nam.
“Tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ. Điều này đã chứng tỏ qua các báo cáo của những tổ chức xã hội dân sự…Nhà cầm quyền cộng sản ngày càng trở nên hung bạo hơn và đàn áp người dân đủ mọi giới vì họ thấy rằng dân đang đứng lên đòi hỏi các quyền của mình từ những người nông dân đòi đất, người lao động đòi tiền lương, các tín đồ đòi tự do tôn giáo, tới các nhà đối kháng đòi dân chủ. – Linh mục Phan Văn Lợi.
Linh mục Phan Văn Lợi, một nhà bất đồng chính kiến được nhiều người biết tiếng lâu nay cổ xúy cho các quyền tự do chính trị, dân sự, và tôn giáo trong nước, nhận xét nền dân chủ quốc nội năm qua hết sức u ám:
“Tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ. Điều này đã chứng tỏ qua các báo cáo của những tổ chức xã hội dân sự, ví dụ gần đây nhất là của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Dân Làm báo, và nhiều tổ chức khác. Nhà cầm quyền cộng sản ngày càng trở nên hung bạo hơn và đàn áp người dân đủ mọi giới vì họ thấy rằng dân đang đứng lên đòi hỏi các quyền của mình từ những người nông dân đòi lại đất, những người lao động đòi tiền lương, các tín đồ đòi tự do tôn giáo, tới các nhà đối kháng đòi dân chủ. Tất cả đều bị đàn áp. Không những thế nhà cầm quyền còn dùng côn đồ hay công an đội lốt côn đồ để đánh những người đi biểu tình hay thậm chí là những người đi thăm tù nhân lương tâm, như vụ tại nhà của ông Trần Anh Kim vừa xảy ra. Về tự do tôn giáo, nhà cầm quyền vẫn tiếp tục đàn áp các tôn giáo trong nước. Những quyền tự do tôn giáo chính đáng như độc lập trong tổ chức, tự do trong sinh hoạt, tự do trong đào tạo, hay tham gia về giáo dục giới trẻ và hoạt động xã hội các mặt thì nhà cầm quyền không cho. Năm nay rộ lên vấn đề đàn áp khốc liệt giáo hội Mennonite, đánh tín đồ và mục sư. Những người dân oan mất đất vẫn tiếp tục bị đàn áp, bị cướp đất. Thậm chí những người dân oan đã vào tù rồi còn bị đàn áp khốc liệt, bị giam chung với tù nhân bị HIV. Nói chung, tình hình Việt Nam về nhân quyền, về các quyền dân sự-chính trị-kinh tế-xã hội đều càng ngày càng đi xuống cả.”
Linh mục Phan Văn Lợi. 
Linh mục Phan Văn Lợi.
Thành viên của Khối Dân chủ 8406 và Hội Cựu Tù nhân Lương tâm và cũng là đồng Chủ tịch của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, báo động mức độ trấn áp các quyền tự do dân sự tại Việt Nam ngày càng gia tăng về cả quy mô lẫn mức độ:
“Quy mô thì hầu như tất cả mọi giới đều bị đàn áp. Ví dụ năm nay họ giam rất nhiều blogger nổi tiếng, tiếp tục bắt rất nhiều nhà tranh đấu, dân oan cũng vậy, đã có những phiên tòa xử dân oan. Đối với người Hmong cũng vậy, những người Hmong đòi canh tân trong nếp sống cũng bị ra tòa và bị ở tù, như vụ của ông Thào Quán Mua hiện cũng đang bị đàn áp trong tù. Còn về mức độ thì chúng ta thấy càng lúc nhà cầm quyền cộng sản càng dùng các phương pháp bạo hành rât đê tiện, thậm chí còn dàn dựng những vụ bắt người rồi tạo vụ án như vụ của cô Lê Thị Phương Anh. Hoặc chúng ta thấy những vụ án oan tử hình Hồ Duy Hải hay Nguyễn Văn Chưởng, gia đình kêu cứu, luật sư và công luận đều lên tiếng mà nhà cầm quyền tới giờ vẫn im lặng.”
Linh mục Lợi nói bất chấp sự sách nhiễu của nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam ngày càng nở rộ nhiều hơn, cố gắng hoạt động để lên tiếng bảo vệ các quyền dân sự-chính trị phổ quát bị hạn chế.
Về mức độ thì càng lúc nhà cầm quyền cộng sản càng dùng các phương pháp bạo hành rât đê tiện, thậm chí còn dàn dựng những vụ bắt người rồi tạo vụ án như vụ của cô Lê Thị Phương Anh. Hoặc chúng ta thấy những vụ án oan tử hình Hồ Duy Hải hay Nguyễn Văn Chưởng, gia đình kêu cứu, luật sư và công luận đều lên tiếng mà nhà cầm quyền tới giờ vẫn im lặng.
Linh mục Lợi dự đoán trong thời gian tới xu hướng đàn áp có thể tăng thêm giữa lúc đảng cộng sản đang lo ngại quyền lực bị lung lay và bộ mặt của giới lãnh đạo ngày càng bị xấu đi từ ngay trong nội bộ.
Thế nhưng, nhà hoạt động nhân quyền này quả quyết chừng nào còn áp bức bất công, chừng đó sự tranh đấu phản kháng vẫn còn tiếp diễn:
“Chúng tôi các tổ chức xã hội dân sự trong nước cương quyết phải đi tới cùng, chấp nhận những gian khổ, đòn thù đê tiện, và tù ngục để cứu đất nước ra khỏi hiểm họa Việt cộng và hiểm họa Tàu cộng.”
Chính phủ Hà Nội lâu nay khẳng định luôn thăng tiến và bảo vệ các quyền dân sự-chính trị của công dân và cho rằng các chỉ trích, tố cáo của thế giới về tình hình dân chủ-nhân quyền Việt Nam là ‘bịa đặt,’ ‘vô căn cứ.’
Phúc trình của Freedom House đánh giá các quyền tự do chính trị và dân sự trên thế giới xuất bản thường niên kể từ khi ra đời từ năm 1972 tới nay. 
Phúc trình của Freedom House đánh giá các quyền tự do chính trị và dân sự trên thế giới xuất bản thường niên kể từ khi ra đời từ năm 1972 tới nay.
Tuy nhiên, theo nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và quyền tự do tôn giáo Phan Văn Lợi, lập luận đó của Hà Nội là ‘mù quáng’ và ‘cố chấp’:
“Với phương tiện internet và các trang mạng xã hội như Facebook thì trong vài giây sau các hình ảnh và tiếng nói ghi nhận những biến cố này nọ được đưa lên mạng rồi, làm sao dấu được mọi người, dấu được quốc tế? Cho nên, kiểu lập luận đó là của những người mù quáng, cố chấp và không nhận thấy thời đại này internet là một ánh sáng soi vào tất cả mọi sự việc. Chúng tôi mong rằng nhà cầm quyền cộng sản phải tỉnh táo hơn, tỉnh ngộ hơn. Đừng mong dùng bạo lực, đàn áp, gian dối để chà đạp, bịt miệng những tiếng nói của người dân Việt Nam.”
Phúc trình của Freedom House đánh giá các quyền tự do chính trị và dân sự trên thế giới xuất bản thường niên kể từ khi ra đời từ năm 1972.
Thang điểm và xếp hạng của Việt Nam từ năm 2006 tới nay không thay đổi.

Một Chút Lịch Sử Gửi Tuổi Trẻ Việt Nam

Nhân Dịp Đầu Năm Ất Mùi – 2015, Một Chút Lịch Sử Gửi Tuổi Trẻ Việt Nam: Lẽ Ra Ngay Từ Năm 1945 Dân Tộc Ta Đã Có Dân Chủ – Tự Do Rồi

VTT ZZFEB13. 4 BẢO ĐẠI 1
Do sự phức tạp của thời thế và sự nóng nảy muốn giành độc lập nhất thời của chính người Việt, lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đã không những không biến chuyển như mọi người  mong muốn mà còn đầy rẫy những ngộ nhận, từ đó oan khuất cần phải được giải toả và làm sáng tỏ.  Đây là một việc làm vô cùng khó khăn mà một cá nhân khó có thể làm nổi.  Tuy nhiên, tuy gọi là khó nhưng những người quan tâm và hiểu biết ít nhiều vẫn phải làm để sau này sẽ có người tiếp tục và điều chỉnh.  Vì là một khoa học, sử học luôn luôn tiến bộ.  Những gì gọi là đúng ngày hôm nay có thể sẽ cần phải được ít ra là điểu chỉnh và bổ khuyết ngày mai, không có gì gọi là chân lý vĩnh cửu trong môn học này.  Người học sử không thể chủ quan nhất định điều mình nói, viết ra hay được học mãi mãi là đúng, là chân lý bất di bất dịch.   
Trong bài này cũng như một số bài trước, người viết xin gửi tới các bạn đọc, đặc biệt là các nhà tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do và dân chủ, một vài nhận định về những gì Hoàng Đế Bảo Đại và vị thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập là nhà giáo kiêm học giả Trần Trọng Kim cùng với các bộ trưởng của ông, đã làm,  trong một thời gian ngắn ngủi hơn ba tháng của năm 1945, từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 6 tháng 8 năm 1945, để xây dựng một chính thể dân chủ lâu dài cho đất nước và ban hành các quyền tự do cho người dân từ cách nay ngót 70 năm bằng những đạo luật không phải là không  tiến bộ.   Đây là một việc làm mà 70 năm sau với ít nhất ba thế hệ đã qua đi một cách uổng phí, với hàng triệu sinh mạng đã bị hi sinh cùng với máu và nước mắt của người dân lành vô tội, người ta vẫn chưa muốn làm hay chưa làm được.
Bốn bước tiến đã được Vua Bảo Đại thực hiện trong thời gian này gồm có:
Thứ nhất: Ban hành dụ “Dân vi Quý”
Thứ hai:Đích thân tham khảo ý kiến của các quan lại, các thân hào, nhân sĩ có uy tín để thành lập một chính phủ mới
Thứ ba: Thành lập các hội đồng chuyên môn để mọi người có thể tham gia việc soạn thảo hiến pháp và các sinh hoạt quan trọng của quốc gia
Thứ tư:  Ban hành các đạo dụ liên quan đến các quyền tự do cơ bản của người dân 
Sau đây là những chi tiết liên hệ tới bốn bước tiến kể trên: 
2014 FEB 16 Trần_Trọng_Kim BBB 300Khẩu hiệu “Dân Vi Quý” của Hoàng Đế Bảo Đại
Đây là khẩu hiệu của vi vua cuối cùng của Nhà Nguyễn mà ai đã từng học sử Việt Nam đều biết và cũng là bước tiến đầu tiên của vị hoàng đế này trên đường thực hiện chế độ dân chủ của ông.  Khẩu hiệu này được trích dẫn từ sách Mạnh Tử, mộttrong Tứ Thư của các Nhà Nho ta thời xưa[1], nguyên văn là “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” có nghĩa là “Dân là quý, sau đó là xã tắc, vua là nhẹ”, được nhà vua chính thức đưa ra trong Dụ Số 1, mở đầu cho một giai đoạn mới trong triều đại của ông.  Dụ này được ban hành ngày 17 tháng 3 dương lịch năm 1945, nguyên văn như sau:
Dương Lịch ngày 17 tháng 3 năm 1945
Nước Nhật muốn hoàn toàn thực hiện chương trình sây nền thịnh vượng chung ỏ Đại-Đông-Á đã giải phóng cho nước Nam ta, và Trẫm tuyên bố Việt Nam độc lập rồi.
Nay Trẫm có trách nhiệm đối với lịch sử và thần dân, nên tự cầm lấy quyền để bảo vệ lấy quyền lợi cho Tổ-quốc và giáng dụ rằng
1. Chế độ chính trị từ nay căn cứ vào khẩu hiệu “DÂN VI QUÍ’
2. Trong chính giới sẽ chiêu tập các nhân tài đích đáng để chỉnh đốn lại nền tảng Quốc gia cho xứng đáng là một nước độc lập chân chính có thể hợp tác với Đại-Nhật-Bản trong công cuộc kiến thiết Đại-Đông-Á.
3. Trẫm sẽ tài định và tuyên bố các cơ quan chính trị để ban hành những phương pháp hợp với nguyện vọng của Quốc dân.
Nhận định về đạo dụ này, Nguyễn Tường Phượng trong bài “Một Đạo Dụ, Một Chế Độ” đăng trên Tri Tân Tạp Chí số rangày 20 tháng 4 năm 1945, trên trang đầu, đã viết như sau: 
“Ba điều ban bố trên đáng ghi vào lịch sử xứ này, thật là trên thuận lòng giời, dưới đẹp lòng dân, quốc dân rất trông mong ở sự thi hành triệt để khác nào như đói mong ăn và khát mong uống vậy.
“Nếu một khi nhà nước dùng được người tài, đức vẹn hai ra gánh vác, đảm đương những trọng trách, lại thêm vào đấy cái chính sách thân dân, thể tất đến dân nguyện thời nền tảng quốc gia xứ này có thể phục hưng.
“Được như vậy, đạo dụ ngày 17 tháng ba đáng ghi vào trang đầu lịch sử của nước Việt-Nam độc lập.”
Còn Luật Sư Bùi Tường Chiểu, trong bài “Đạo Dụ Số 1 Của Đức Bảo Đại Hoàng Đế” đăng trên Thanh Nghị, số 107, “Số Đặc-San Chính Trị”, ra ngày 5 tháng Năm 1945, cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của đạo dụ này. Ngay những dòng mở đầu ông viết:
“Đạo dụ trên đối với chế độ chính trị nước ta sau này có một tính cách quan trọng đặc biệt mà ta có thể nói rằng đạo dụ này đã nêu lên một cách tóm tắt những quả quyết rõ ràng những nguyên tắc kiến thiết chính thể nước Việt-Nam sau này.”
Rồi nhấn mạnh hơn đến ba chữ Dân Vi Quý, ông phân tích:
“Nay đạo Dụ số 1 đã nêu lên khẩu hiệu Dân vi quí có nghĩa là đức Bảo-Đại đã hủy bỏ cái lý thuyết cũ mà đến nay hầu hết các nước văn minh đã cho là không hợp thời.  Đã lấy dân làm trọng, đã lấy quyền lợi dân để trên tất cả thì vua tất chỉ là một cơ quan tối cao trong nước điều khiển những cơ quan chính trị khác để phụng vụ quốc gia, tìm những phương pháp hợp với nguyện vọng của cả quốc dân mà thi hành.  Như thế là trong nền chính trị đức Bảo-Đại Hoàng-Đế đã định đặt quốc dân ta đi vào một con đường mới.”
Cuối cùng đi xa hơn nữa, vị luật gia này còn nói tới hiến pháp. Ông viết:
“Xong chúng ta có thể căn cứ vào điều thứ 3 của bản Dụ mà nói rằng đức Bảo-Đại sẽ tuyên bố các cơ quan chính trị mới mà trong câucơ quan ấy sẽ có một cơ quan có quyền lập pháp. Muốn tổ chức một cách phân minh các cơ quan hành chính, lập pháp và tư pháp, tất nhiên phải có một đạo hiến-luật để ấn định rõ ràng những quyền hành của các cơ quan chính trị.”
Đúng như vậy, Hoàng Đế Bảo Đại sau đó đã từng bước tiến hành những biện pháp mang tính cách dân chủ để xây dựng một thể chế mới với sự đóng góp của nhiều người thay vì của một thiểu số quan lại trong triều.  Sau đây là những nét chính của những nỗ lực này.
Đặt nền tảng cho việc xây dựng chế độ mới và sửa soạn cho những công trình tái dựng đất nước lâu dài (sửa lại chính thể và toàn bộ guồng máy chính quyền)
Đây là bước tiến thứ hai trong tiến trình xây dựng chế độ dân chủ bằng cách tạo dịp cho người dân mà đại diện là các nhân sĩ, trí thức và chuyên viên các ngành  được tham gia việc nước, đồng thời thực hiện khẩu hiệu Dân Vi Quý của Hoàng Đế Bảo Đại.  Bước đầu tiên là việc Vua Bảo Đại tham khảo ý kiến các quan lại, trí thức nhằm thành lập chính phủ đầu tiên cho nước Việt Nam độc lập thay thế cho Nội Các Phạm Quỳnh đã từ chức.  Với bước tiến thứ hai, vào khoảng từ trung tuần tháng sáu đến thượng tuần tháng bảy, vừa nhằm chiêu dụ nhân tài, vừa nhằm tạo cơ hội cho người dân được góp phần vào việc đặt nền tảng và thiết lập các cơ chế căn bản cho mọi phạm vi sinh hoạt lâu dài của đất nước, bốn hội đồng đã được thành lập qua ba đạo dụ và một đạo sắc. Bốn hội đồng này gồm có:
Hội Đồng Dự Thảo Hiến Pháp, do Phan Anh làm Thuyết Trình Viên gồm có các ông Phan Anh, Hoàng Đạo tức Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hoè, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Huy Lai, Đặng Thái Mai, Vương Quang Nhường, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Văn Sâm, Nhượng Tống, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Thinh và Nguyễn Trác (Dụ số 60 ngày 7 tháng 7 năm 1945. Dụ này được đăng trong Việt Nam Tân Báo số ra ngày 7 tháng 7 năm 1945).
Hội Đồng Cải Cách cai Trị, Tư Pháp và Hành Chính, do Vũ Văn Hiền làm Thuyết Trình Viên, gồm có các ông Vũ Văn Hiền, Trần Văn Ân, Trần Văn Chương, Phạm Khắc Hoè, Lê Quang Hộ, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Khoát, Trần Văn Lý, Trần Đình Nam, Nguyễn Khắc Niêm, Đặng Như Nhơn, Dương Tấn Tài, Nguyễn Hữu Tảo, Trịnh Đình Thảo và Phan Kế Toại (Dụ số 70 ngày 30 tháng 6 năm 1945. Dụ này được đăng trong Việt Nam Tân Báo số ra ngày 9 tháng 7 năm 1945).
Hội Đồng Cải Cách Giáo dục, do Hoàng Xuân Hãn làm Thuyết Trình Viên, gồm có Bà Hoàng Thị Nga, các ông Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Kha Vạng Cân, Nguyên Văn Chi, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thành Giung, Ngụy Như Kontum, Bùi Kỷ, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Quang Oánh, Ưng Quả, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Đắc thắng, Nguyễn Văn Thích, Hoàng Đạo Thúy và Nguyễn Xiển (Dụ số 71 ngày 30 tháng 6 năm 1945. Dụ này được đăng trong Việt Nam Tân Báo số ra ngày 10 tháng 7 năm 1945).
Hội Đồng Thanh Niên. Hội Đồng này gồm có
Chủ Tịch: Hoàng Đạo Thúy
Phó Chủ Tịch: Trần Duy Hưng, Bắc Chi Bộ
Phó Chủ Tịch: Tạ Quang Bửu, Nam Chi Bộ
Cố Vấn Bắc Chi Bộ:  Bà Nguyễn Thị Thục Viên, các ông Nguyễn Xiển, Phạm Thành Vinh, Vũ Văn Cẩn,Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Xuân Phương, Trần Văn Quý, Phan Huy Quát, Ngụy Như Kon-tum, Phạm Ngọc Khuê, Nguyễn Tường Bách.
Cố Vấn Nam Chi Bộ: Bà Nguyễn Đình Chi, các ông Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Tôn Quang  Phiệt, Kha Vạng Cân, Nguyễn Tư Vinh, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Kinh Chi và Thái Can (Sắc số 65 ngày 15 tháng 6 năm 1945)[2]
Khi đọc danh sách các hội viên được đề nghị tham gia các hội đồng kể trên để trình lên Hoàng Đế Bảo Đại phê duyệt, Phạm Khắc Hoè tỏ ý thắc mắc là có tên những người ông “chưa từng thấy bao giờ” nên đã hỏi Trần Trọng Kim và được Trần Trọng Kim cho biết là các danh sách này “đã được toàn thể Nội các và nhất là các ông bộ trưởng thuyết trình viên đồng ý cả rồi, tuy chưa hỏi được ý kiến của tất cả những người hữu quan, song chắc họ vui lòng nhận cả, vì lúc này ai mà chẳng sẵn sàng ra thờ vua giúp nước” và nói thêm “Vậy ông chịu khó xin Hoàng Đế phê chuẩn đi cho kịp thời, đừng nên hỏi đi hỏi lại nữa.”  Kết quả, theo lời Phạm Khắc Hoè, là “chỉ mấy phút sau, bốn dự thảo của nội các trở thành ba đạo dụ và một đạo sắc chính thức.”[3] 
Những lời đối thoại này cho ta thấy tính cách hữu hiệu và làm việc chạy theo thời gian của Trần Trọng Kim và nội các của ông dù đó mới chỉ là ban hành được những đạo dụ hay đạo sắc để làm nền tảng pháp lý cho những bước kế tiếp trong tương lai.  Nó cũng nói lên tính cách hữu hìệu của chế độ quân chủ chuyên chế và sự tin tưởng của Hoàng Đế Bảo Đại vào vị thủ tướng và nội các đương thời, vì bình thường những quyết định liên hệ đến thể chế và những cơ chế tương lai trong một quốc gia  dân chủ bình thường không thể nào có thể thực hiện được trong vòng trên dưới hai tháng tính từ ngày Nội Các Trần Trọng Kim họp phiên họp đầu tiên, ngày 8 tháng 5, đến ngày 10 tháng 7,  ngày đạo dụ cuối cùng trong bốn đạo sắc dụ này được đệ trình, rồi được vị nguyên thủ quốc gia phê chuẩn trong có “mấy phút sau”.  Một thời gian kỷ lục. 
Cũng nên để ý là các vị bộ trưởng được Trần Trọng Kim nói đến ở đây là Bộ Trưởng Thanh Niên Phan Anh, Bộ Trưởng Tài Chánh Vũ Văn Hiền và Bộ trưởng Giáo Dục và Mỹ thuật Hoàng Xuân Hãn.   Cả ba, ngoài bằng cấp chuyên môn, đều là những chuyên viên hàng đầu của Việt Nam thời đó.   Họ là những người từ lâu đã tìm hiểu, nghiên cứu và viết những những bài tham khảo bàn về những lãnh vực riêng của mình và là những cây bút nòng cốt của tờ Thanh Nghị, một thứ “think tank” của chính phủ đương thời.   Đây củng là dịp để họ thi thố tài năng và thực thi hoài bão mà từ lâu họ đã từng thai nghén.  Cũng nên nhớ là thành ngữ  “thờ vua giúp nước” cho đến thời điểm này vẫn chưa trở thành lạc hậu. Thế nhưng họ vẫn bị Phạm Khắc Hoè cản trở và mỉa mai.( Chú thích)
“Tuần lễ của các Tự Do”
Đây là sự ban hành một số những đạo dụ ấn định những nguyên tắc liên hệ đến các quyền tự do căn bản của người dân.  Ba đạo dụ sau đây đã được báoThanh Nghị số 117, ra ngày 21 tháng Bảy năm 1945[4] ghi nhận theo thứ tự thời gian gồm có:
  1. Dụ số 73, ngày 26 tháng 5 năm Bảo Đại thứ 20 tức ngày 5 tháng 7 dương lịch năm 1945 về tự do lập nghiệp đoàn.
  2. Dụ số 78, ngày 1 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 20 tức ngày 9 tháng 7 năm 1945 về tự do lập hội.
  3. Dụ số 79, ngày 1 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 20 tức ngày 9 tháng 7 năm 1945 về tự do hội họp.
Cả ba đạo dụ này đã được ban hành trong một thời gian ngắn là thượng tuần tháng bảy năm 1945 và Thanh Nghị đã gọi tuần  lễ này là “Tuần của các Tự Do.”
Về chi tiết, báo Thanh Nghị tóm tắt như sau:
Tự do lập hội: Từ nay phàm người công dân Việt Nam ai nấy đều có quyền lập những hội có mục đích chính trị, văn hóa, tôn giáo hay xã hội, ngoài những hội có mục đích kiếm lợi.   Chỉ cần mục đích của hội không trái với pháp luật, luân lý hoặc là có hại đến nền duy nhất và sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia.  Nhưng cần phải báo trước với nhà chức trách ít nhất là 30 ngày trước khi hoạt động
Muốn phân biệt các hội do đạo Dụ số 78 với các hội có mục đích kiếm lợi phải xét xem các hội viên có chia lãi cho nhau hay không?   Nếu chia lãi thì tất phải theo những luật lệ hiện hành về các hội buôn.
Nhiều người hội họp với nhau nhiều lần cũng lại không họp thành một hội vì không có điều lệ để hội viên theo.   Cho nên trong tờ khai phải đính theo cả bản điều lệ của hội mình định sáng lập.
Hội có thể tự giải tán (theo điều lệ hay theo ý muốn toàn thể hội viên) hay bị toà án giải tán, nếu mục đích trái với pháp luật, luân lý, hại tới quốc gia, nếu không khai báo cho đúng thể lệ (chưa kể những sự trừng phạt về tội hình những người có trách nhiệm).  Tài sản của hội khi đó sẽ phân phát theo điều lệ của hội, theo quyết định của đại hội đồng của hội hay theo lệnh của toà.
Có hai thứ hội: hội thường và hội được Hội Đồng Nội Các công nhận là một hội có ích lợi chung.   Hội thường có quyền tố tụng, thu nhập tiền đóng góp của hội viên, có quyền mua, quyền sở hữu và quản lý nhà hội quán, quản trị những bất động sản mà bộ Nội Vụ và Tài Chính cho phép mua.  Còn hội được chính quyền công nhận là có ích lợi chung thì ngoài những quyền này còn có quyền được nhận những tặng dữ.
Tự do hội họp: Người dân được quyền tự do hội họp nhưngDụ số 72 phân biệt hai thứ hội họp là hội họp trong tư gia có tính cách gia đình hay lễ nghi và các hội họp ở những nơi công cộng.
Đối với các hội họp trong gia đình hay lễ nghi hay những hội họp của các hội tư nhóm họp trong tư gia với số người tham dự không quá 30 người, người triệu tập không cần phải khai báo. Các cuộc hội họp khác cũng được tự do nhưng phải khai báo với nhà chức trách.  Tất cả các cuộc hội họp ở các nơi công cộng như họp ở ngoài đượng phố, trong các công viên hay các thị xã đều phải xin phép trước. Giờ họp không được quá 12 giờ đêm trừ khi có phép riêng. Ngoài ra một nhân viên hành chánh hay tư pháp cũng có quyền tới dự.
Tự do lập nghiệp đoàn:  Việc lập nghiệp đoàn cũng được coi như quyền tự do của nguời dân với những quy luật được ấn định trong Dụ số 73, theo đó, để tránh không cho những hội kiếm lợi giả danh làm nghiệp đoàn với mục tiêu trốn thuế, các nghiệp đoàn bị cấm không được chia lời cho các đoàn viên và khi giải tán thì của cải không được đem chia cho các đoàn viên.  Đồng thời để bảo vệ những người trong nghề, dụ này cấm không cho nghiệp đoàn cưỡng ép những người này  phải gia nhập hay bắt đoàn viên phải ở lại trong nghiệp đoàn vĩnh viễn nhưng ngược lại cho phép nghiệp đoàn được từ chối không nhận một người làm đoàn viên theo điều lệ của mình.  Mặt khác, nghiệp đoàn có tư cách pháp nhân trong việc bảo vệ các quyền lợi của mình, có quyền sở hữu các động sản hay bất động sản nếu xin phép, có quyền liên kết với nhau để thành lập các liên đoàn và về phía chính quyền, chính quyền có quyền cử nguời kiểm soát việc quản lý tài chánh của nghiệp đoàn hay liên đoàn.  Cuối cùng vì nghiệp đoàn là một tổ chức có thể dùng để tranh đấu nên người sáng lập bắt buộc phải có quốc tịch Việt Nam và phải ở trong nghề ít nhất một năm.
Vì ba đạo luật kể trên đã được ban hành trong thượng tuần tháng 7 năm 1945 nên tác già của bài báo gợi ý gọi tuần lễ này là  “Tuần Lễ Của Các Tự Do”.  Mặt khác nếu người ta theo dõi những cuộc hội họp của người dân ở cả hai miền Trung và Bắc đã diễn ra liên tiếp từ ngày 10 tháng 3, sau ngày Nhật đảo chánh Pháp, đặc biệt là ở Huế và Hà Nội với hàng vạn người tham dự một cách tự do, thoải mái, thì sự ban hành các đạo dụ này “đã làm hợp pháp một tình trạng riêng của các tỉnh ở Bắc Bộ Việt Nam vì từ  sau ngày 9 tháng 3 các hội, các đoàn mọc lên như nấm, các cuộc hội họp công khai tự do vô cùng”.[5]
VTT 72 OCT 6 VIỆT MINH CƯỚP QUYỀN CP TRẦN TRỌNG KIM
Kết Luận
Tất cả các công trình lớn lao kể trên đã được đã được Hoàng Đế Bảo Đại, Thủ Tướng Trần Trọng Kim và các vị bộ trưởng trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn và trong một thời gian kỷ lục chưa tới ba tháng ngắn ngủi kể từ ngày 8 tháng 5 khi chính phủ này được trình diện đến ngày 6 tháng 8 năm 1945 khi chính phủ này từ chức và được Hoàng Đế Bảo Đại cho phép, ngắn hơn nữa nếu tính đến ngày 9 tháng 7, ngày các Dụ số 78 về Tự Do Lập Hội và số 79 về Tự Do Hội Họp được nhà vua chấp nhận. 
Đây là một phần của một cuộc cải cách rộng lớn hơn bao trùm mọi phạm vi sinh hoạt đương thời, gọi theo Sử Gia Na Uy Stein Tonnesson là “từ trên xuống”, còn gọi theo Vũ Ngự Chiêu thì đó là một cuộc cách mạng cũng từ trên xuống: “cách mạng từ trên xuống”.  Cả hai sử gia này đều có lý vì tính cách nhanh chóng ít ai có thể ngờ của nó.  Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm sao nó có thể xảy ra được trong một chế độ quân chủ chuyên chế đã từng tồn tại cả ngàn năm như vậy?  Có ba sự kiện người ta có thể nghĩ tới để trả lời câu hỏi này. 
Đó là ý muốn của người cầm đầu hay đúng hơn vị nguyên thủ quốc gia, ước vọng và khả năng của những người lãnh nhiệm vụ thực hiện cuộc cải cách theo ý muốn của vị nguyên thủ quốc gia ấy và cuối cùng là sự đón nhận của dư luận đương thời.  Cả ba sự kiện này Đế QuốcViệt Nam ở thời điểm đương thời đều có đủ. Từ Vua Bảo Đại đến Thủ Tướng Trần Trọng Kim và các vị bộ trưởng đều là những người được huấn luyện đầy đủ, có kiến thức và nhất là có thực tâm, tha thiết với nền độc lập và sự tiến bộ của nước nhà. 
Điều đáng tiếc là biến cố 19 tháng 8 đã xảy ra, Việt Minh cướp chính quyền và tất cả đều đã bị dẹp bỏ, điển hình là ngày 22 tháng 9 năm 1945, 20 ngày sau khi tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bãi bỏ các nghiệp đoàn trong toàn cõi Việt Nam[6] và Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Võ Nguyên Giáp ký Nghị Định ngày 14 tháng 9 giải tán Hội Khai Trí Tiến Đức trong khi cùng ngày lại ký một nghị định khác “cấp năng lực pháp luật”[7] cho hội “Văn Hoá Cứu Quốc Việt Nam” (Việt Minh)[8].   Cuối cùng thì sau 70 năm, cho đến tận ngày hôm nay khi bài này được viết, bất chấp mọi sự hy sinh, gian khổ, máu và nước mắt của hàng triệu đồng bào, Tự Do và Dân Chủ, Công Bằng và Bác Ái vẫn nguyên vẹn chỉ là niềm mơ ước hầu như còn lâu mới đạt được của người dân Việt.
Phạm Cao Dương
Viết để tưởng niệm các học giả Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, những người đã góp phần xây dựng nền giáo dục mới cho nước Việt Nam độc lập và một thế hệ trí thức mới đã đứng ra làm việc nước
[1] Đoàn Trung Còn, dịch giả, Tứ Thư, Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Quyển Bảy, “Chương  Sau: Tận Tâm”Huế: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 2000, tr. 263.-   Nguyễn Đức Lân (dịch và chú giải),  Tứ   Thư Tập Chú, “Mạnh Tử, Chương XIV, Tân Tâm, Chương Cú Hạ”. Hà nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, 1999, tr. 1346.-  Nguyễn Hiến Lê, Mạnh Tử. Saigon: Cảo Thơm, 1975; Nhà Xuất Bản XuânThu tái bản tại Hoa Kỳ, Los Alamitos, CA, tr. 58. – Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng Trọn Bộ. Houston: Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 463.-  Bàn về khẩu hiệu này, Phạm Khắc Hoè, Ngự Tiền  Tổng  Lý Văn Phòng của Vua Bảo Đại và là người thân Việt Minh nằm trong Đại Nội bên cạnh nhà vua cho là do một người nào đó “mớm” cho nhà vua chứ Bảo Đại không thể có ý tưởng đó được.   Nhận xét này nhiều phần không đúng nếu ta để ý tới căn bản giáo dục mà Bảo Đại nhận được xuyên qua Phụ Đạo Lê Nhữ Lâm từ hồi ông mới 6 tuổi rồi sau đó theo ông sang Pháp trong suốt thời gian ông ở Pháp để dạy  ông về đạo làm vua theo truyền thông Việt Nam trong đó có Khổng Giáo, tiếp theo là những gì ông làm trong thời kỳ cải cách trước đó và những gì ông viết trong hồi ký sau này của ông.   Xem thêm Phạm Khắc Hoè, Từ Triều Đình Huế Dến Chiến Khu Việt Bắc.Huế: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 1987, tr. 22-23.       
[2]  Phạm Khắc Hoè, Từ Triều Đình Huế…, dẫn trên, tr. 41-43.
[3]   - như trên -, tr. 41.
[4]  Trong mục “Đời Sống Đông Dương qua bài báo nhan đề “Mấy Đạo Dụ về Tự Do”, tr. 23-25.
[5]  – như trên-, tr. 25
[6]  Việt Nam Dân Quốc Công Báo, số  2, 6 Tháng Mười 1945, “Mục Lục Công Báo ngày 6 tháng 10 năm  1945”
[7]  Tư cách pháp nhân
[8]  Việt Nam Dân Quốc Công Báo, dẫn trên.