Monday, November 28, 2016


TỰ TÌNH DÂN TỘC
         
     Là người Việt Nam, chúng ta tự hào là con RỒNG cháu TIÊN thế nhưng, mỗi khi tìm về nguồn cội dân tộc thì nỗi ray rứt niềm băn khoăn làm nhức nhối tâm can biết bao con dân đất Việt. Ngay từ khi còn cắp sách đến trường, bài học thuộc lòng thuở đầu đời “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con…”. Biết bao câu hỏi được đặt ra trong đầu óc ngây thơ trong trắng như núi Thái Sơn ở đâu thì được thầy trả lời ở bên Tàu. Ai trong chúng ta mà không đặt câu hỏi tại sao công cha nghĩa mẹ lại so sánh với núi Thái Sơn ở bên Tàu?
 
     Lớn lên học văn chương truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du thì lại được giảng thêm là Nguyễn Du phỏng theo cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu. Nhân vật Từ Hải quê ở Việt Đông, người anh hùng Việt tộc “chọc trời khuấy nước một thời” thì bị xem như một thảo khấu chống lại triều đình!. Thế rồi ai trong chúng ta mà chẳng một lần ấm ức xen lẫn hoài nghi khi nghe nói về huyền thoại Rồng Tiên, truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc bị một số trí thức “Tây học” chê là hoang đường huyền hoặc.
 
     Chúng ta lại càng hổ thẹn hụt hẫng khi đọc quyển sử “Việt Nam Thời Khai Sinh” của Linh mục Nguyễn Phương khẳng định người Việt chúng ta gốc là người Tàu! Thật là điều đáng buồn là các sử gia thời quân chủ phong kiến chỉ tin vào chính sử Trung Quốc, còn các nguồn gốc sử liệu khác thì chê là “Ngoại thư” không thể tin được. Thậm chí các ông nho sĩ ta thời trước còn tôn thờ Sĩ Nhiếp là Sĩ Vương trong khi các ông quên hẳn một điều là dù muốn dù không, Sĩ Nhiếp cũng là một tên Thái Thú sang cai trị dân ta. Chính Sĩ Nhiếp chứ không ai khác đã đem chữ Hán nô dịch đồng hoá dân tộc ta. Dân ta không chịu học chữ Hán, vẫn dùng ngôn ngữ Việt cổ nên Sĩ Nhiếp cấm dân ta viết chữ tượng thanh của Việt tộc.
 
    Trước đây, một số sử gia tuy không cho rằng người Việt ta là gốc Tàu nhưng chịu ảnh hưởng của Tàu trên nhiều phương diện nên cũng tán đồng luận điểm áp đặt của các nhà Nhân chủng cho rằng dân tộc ta thuộc giống Mông cổ ngành Phương Nam. Ngày nay, các nhà sử học Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam viết sử theo nghị quyết của Đảng Cộng Sản nên đã không những không dám nói lên sự thật lịch sử mà lại còn phụ hoạ với luận điểm cho rằng nước Văn Lang ta chỉ mới hình thành hơn 600 năm TDL cho phù hợp với sử quan bành trướng Đại Hán xa xưa mà hiện nay là Trung Quốc anh em! Họ phủ nhận cương giới của nhà nước Xích Quy sơ khai của Việt Tộc, chống lại sử quan dân tộc của những người Việt Nam chân chính mà họ phê phán là khuynh hướng dân tộc cực đoan hẹp hòi.
 
     Chính vì những ấm ức hổ thẹn đó, chúng tôi mới đủ can đảm viết quyển sách nhỏ này. Bản thân người viết không có tham vọng viết sử mà chỉ muốn nói lên những ý nghĩ của người Việt Nam yêu nước xuyên suốt dòng vận động lịch sử của dân tộc. Ý tưởng phải viết quyển sách nảy sinh ngay thời gian còn ở trong tù, khi Trung Cộng tiến quân đánh Cộng sản Việt Nam ngày 17-2-1979.
 
     Thoạt đầu chúng tôi vui mừng vì nội bộ cộng sản phân hóa đánh lẫn nhau nhưng sau đó, chúng tôi lại hết sức lo âu cho vận mệnh của dân tộc Việt. Chúng tôi thường xuyên thảo luận với nhau về hiểm họa phương Bắc, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc từ thời Thương, Chu, Tần, Hán. Thời Hán Vũ  Đế đã đem quân xâm lược đánh chiếm thống trị các dân tộc khác để mở rộng lãnh thổ, thành lập một đế quốc Đại Hán hùng mạnh như đế quốc La Mã của phương Tây. Chính sách sử Trung Quốc đã ghi chép: “Dân tộc Trung Quốc là do các dân tộc Mông Cổ, Mãn Châu, Tạng, Hồi nhưng Hán tộc là chủ thể” mà không dám nhắc đến tộc Việt vì người dân gọi là người Trung Quốc ở miền Đông và miền Nam gốc Việt cổ chiếm hơn nửa dân số Trung Quốc.
 
     Trong suốt dòng lịch sử khởi từ thời lập quốc đến ngày nay, chủ trương trước sau như một là bằng mọi giá phải tiêu diệt cho được tộc Việt vì cái gọi là văn hóa, văn minh Trung Quốc chính là văn hóa, văn minh Việt mà Hán tộc đã tiếp nhận rồi cải biến gọi là văn minh Trung Quốc. Thứ nữa, chính Hán tộc du mục từ thời tộc Thương đã xâm chiếm nhà Hạ của Vìệt tộc năm 1766 TDL cho tới thời Hán Vũ Đế đánh chiếm Nam Việt năm 111 TDL tất cả 7 cuộc xâm chiếm đất đai lãnh thổ của các quốc gia Bách Việt, khiến tộc Việt phải rời bỏ phần lãnh thổ Trung Quốc hiện nay chạy xuống định cư tại phần lãnh thổ Việt Nam bây giờ. Hầu hết người Việt cổ trong các quốc gia Bách Việt đã bị thống trị, bị đồng hóa nhưng trải qua hàng ngàn năm, tuy phần nào có giống “Đồng” nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa truyền thống Việt, nên không bao giờ trở thành, “Hóa” thành người Trung Quốc được.
 
     Trung Quốc là một quốc gia bao gồm nhiều chủng tộc, một Hiệp chủng quốc ở phương Đông do xâm lược thống trị các dân tộc khác nên vấn đề chủng tộc là một tử huyệt của đế quốc mới Trung Cộng. Chính vì vậy, chúng tôì bắt tay vào việc nghiên cứu, tìm về nguồn gốc dân tộc để phục hồi sự thật lịch sử, chứng minh cho các dân tộc ở Trung Quốc nhất là người dân ở miền Đông và miền Nam Trung Quốc hiểu rõ cội nguồn gốc tích Việt của mình thì một ngày nào đó, 3/4 người dân Trung Quốc bao gồm dân tộc Mông Cổ, Mãn Châu, Tây Tạng, Hồi Hột (Duy Ngô Nhĩ) và Việt sẽ đứng lên chống lại giới cầm quyền, kẻ thù truyền kiếp của các dân tộc thì sự sụp đổ của đế quốc Trung Cộng là một điều bắt buộc phải xảy ra, một tất yếu lịch sử.
 
    Chính vì vậy, nên khi vừa ra khỏi trại tù, chúng tôi đã bắt tay vào việc tìm kiếm tài liệu, viết những trang sách đầu tiên về lịch sử Việt trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, bị theo dõi kiểm soát nghiêm ngặt, rình rập thường xuyên nên viết lách thật là khó khăn. Trong điều kiện đó, chúng tôi không thể lãnh hội những cao kiến của các bậc thức giả cũng như tham khảo nguồn sách sử nhiều nên chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mạnh dạn đặt vấn đề, đưa ra những giả thuyết để có cái nhìn tổng quát xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc hầu mong nhận được những cao kiến đồng tình đóng góp hoặc phê bình phản bác của các bậc thức giả, những người Việt Nam yêu nước chân chính để vấn đề nguồn cội dân tộc ngày càng sáng tỏ. Được như vậy, người viết sẽ rất hân hạnh vì đã góp được phần nhỏ nhoi của mình trong công cuộc tìm về nguồn cội dân tộc, chu toàn bổn phận của một con dân đất Việt.
 
     Người viết cũng xin chân thành cảm ơn bằng hữu và những người có lòng ưu tư về nguồn gốc dân tộc đã giúp đỡ khích lệ cá nhân tôi hoàn thành quyển sách này. Chúng tôi cũng xin trân trọng tác giả những nguồn sử liệu và xin được phép tham khảo ngõ hầu sáng tỏ thêm nguồn cội dân tộc. Chúng tôi may mắn là người đi sau nên có được điều kiện tham khảo những nguồn sử liệu mới nhất của triết gia Kim Định, nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc, giáo sư Nguyễn Đoàn Tuân, giáo sư Cung Đình Thanh và Bác sĩ Trần Đại Sĩ  nên mạnh dạn đặt vấn đề tìm về cội nguồn dân tộc.  Khi chúng tôi vừa sơ thảo quyển Nguồn Gốc Việt Tộc thì chiến hữu Trần Thúc Vũ đi định cư sang Hoa Kỳ nên một thời gian sau, quyển Cội Nguồn Việt tộc được ấn hành và giới thiệu với đồng hương ở Hải ngoại năm 2004.
 
     Tháng 11 năm 2006, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn giáo được thành lập trong nước và cần phải có tiếng nói ở hải ngoại nên quý vị cố vấn và Hội Đồng Điều Hành đề nghị với cương vị Phó Hội Trưởng Ngoại vụ, tôi phải sang định cư tại Hoa Kỳ để vận động đồng bào trong và ngoài nước, vận động công luận quốc tế thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá Việt Nam.
 
     Ngay sau khi đến Hoa Kỳ, tôi đã đi các tiểu bang lớn của Hoa Kỳ và sang 5 nước ở châu Âu, Canada để trình bày hiện tình Việt Nam và vận động chính giới, công luận quốc tế và đồng hương Việt Nam ở các nước ủng hộ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Năm 2007, tôi sửa đổi bổ sung và cho tái bản quyển Nguồn Gốc Việt tộc đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về cội nguồn phát tích của tộc Việt. Quyển sách đã được đồng hương đón nhận nhiệt tình nên chúng tôi phải tái bản lần thứ nhì và bây giờ là lần thứ ba với những cập nhật mới nhất, thuyết phục nhất để trân trọng gửi tới những tấm lòng tha thiết với nguồn cội dân tộc và bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam.
 
     Trong sách này, chúng tôi dùng chữ dân gian thường gọi là Tàu thay vì Trung Quốc.  Chính sách sử Trung Quốc đã viết là dân tộc Trung Quốc là do các tộc người Mông, Mãn, Tạng, Hồi và Hán là chủ thể. Các nhà viết sử cũng như người Tàu tự nhận họ là người Hán (Hán nhân) vì thời đại triều Hán là thời lãnh thổ Trung Quốc mở rộng do các cuộc xâm chiếm đất đai của các dân tộc khác nên chúng tôi gọi là Hán tộc để chỉ một tộc người du mục xâm lược.
 
     Đứng trên quan điểm dân tộc, chúng tôi chỉ dùng chữ “Nhà” thân thương cho các triều đại của nước ta như nhà Ngô, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần … còn Hán tộc thì chúng tôi dùng chữ “Triều” (đại) như triều Thương, triều Chu, triều Hán.
 
     Thứ nữa, lấy năm thứ nhất Dương lịch làm điểm mốc lịch sử cho thật chính xác thay vì chữ Công nguyên như vẫn dùng sai lầm từ trước đến nay. Sau cùng, chúng tôi quan niệm rằng yêu nước tất phải trân trọng tất cả những thăng trầm hưng phế của dòng vận động lịch sử mà biết bao thế hệ đã vun trồng bằng máu và nước mắt để viết lên những trang sử bất khuất hào hùng. Đồng thời phải học biết về lịch sử để hiểu rõ hơn ý nghĩa tuyệt vời của huyền thoại Rồng tiên, hiểu rõ về nguồn cội dân tộc, hiểu rõ hơn bản sắc văn hóa và truyền thống cao đẹp của một dân tộc có gần 5 ngàn năm văn hiến.
 
     Tri ân tiền nhân chưa đủ mà chúng ta phải học tập, noi gương các danh nhân anh hùng khai sáng văn hoá, các anh hùng dân tộc của thời xa xưa thấm đậm trong tâm thức Việt để rồi dân tộc sẽ sản sinh ra những anh hùng của một ngày mai. Chính vì vậy, có thể nói lịch sử là ngọn nguồn của lòng yêu nước, chính lịch sử quá khứ hào hùng của một dân tộc sẽ là tương lai xán lạn huy hoàng của dân tộc đó. Nói theo sử gia thời danh Arnol Toynbee thì:
 
 “Nếu thiếu những sự thách thức tức là thiếu yêu cầu bức bách đòi hỏi phải biết vận dụng được một cách vượt bậc khả năng xoay chuyển tình thế thì không có điều kiện để một cộng đồng người thể hiện được sức mạnh và sự sáng tạo của mình. Chính sự đáp ứng thích hợp trước những thách thức, sự vận dụng một cách vượt bậc khả năng xoay chuyển tình thế, đã đưa tới những thành tựu văn hoá lớn tạo nên bản lĩnh của các dân tộc và có thể nói lịch sử hình thành một nền văn minh lớn, không bao giờ diễn ra trên một con đường bằng phẳng với những bước đi bình thản...”.
 
     Trong lịch sử nhân loại, có lẽ không một dân tộc nào mà chịu đựng thử thách gian nan khốn khó hơn dân tộc Việt. Lịch sử cũng đã chứng minh dân tộc ta đáp ứng được những yêu cầu bức bách, sự thách thức của từng thời đại để Việt Nam là một trong những nền văn minh cổ của nhân loại còn tồn tại mãi đến ngày nay.
 
     Chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng hãnh tiến hướng về tương lai trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ III. Tuy nhiên chúng ta không thể đứng yên mà trông chờ vào cái gọi là “Định mệnh lịch sử” mà nên nhớ rằng, Lịch sử hôm nay là chính trị của những ngày qua và  chính trị ngày nay sẽ là lịch sử ở ngày mai.
 
     Lịch sử là cuộc trưng cầu dân ý mỗi ngày của một dân tộc thế nên chính chúng ta, mỗi ngày đang góp phần lịch sử vào tương lai của dân tộc chúng ta.
 
     Trong ý thức đó, chúng tôi xin mời quý vị, chúng ta cùng tìm về cội nguồn Việt tộc, về Việt Nam thời lập quốc từ truyền thuyết đến hiện thực lịch sử Việt Nam.
                                     
Việt Nam, Mùa giỗ Tổ 4879 Việt Lịch (DL 1999) PHẠM TRẦN ANH.

No comments:

Post a Comment