Tuesday, November 29, 2016

ĐỌAN TRƯỜNG BẤT KHUẤT

SÁT NHÂN BẨM SINH !!!      Trong các trại tù Cộng Sản mà tôi đã đi qua, tên giám thị Phi Sơn là một tên khát máu nhất mà theo nhà tội phạm học Lombroso thì y quả là loại người “Sát nhân bẩm sinh”. Phi Sơn là bí danh của y còn tên thật là gì thì không ai rõ, bí danh này có từ khi y còn là trưởng ban ám sát tỉnh Lâm Đồng, một tay y đã giết biết bao nhiêu quân nhân viên chức Việt Nam Cộng Hòa và cả đồng chí của y nữa.
     Dáng người dị dạng cao lều khều, lúc đi lưng hơi còng, cặp mắt đỏ ngầu sâu hoắm, đôi lông mày rậm và gò má nhô lên, mặt lạnh như tiền, hai hàm răng lúc nói chuyện san sát như nghiến lại nên dường như tù nhân nào cũng không dám nhìn thẳng vào mặt y. Trong lúc uống rượu cao hứng say sưa kể lại chính tay y đã giết không biết bao nhiêu là người … Nghe nói có lần y bắt một viên đại uý ở chi khu Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng thì phải, sau khi đánh đập tra tấn không khai thác gì được, y tức lắm... Y trói hai tay vào một gốc cây rồi lấy lưỡi lê khoét 2 mắt cho máu chảy ra cho đến chết. Mấy tuần sau, khi tiểu khu Tuyên Đức hành quân mới tìm được thì xác viên Đại Úy đã thối rữa, dòi bọ bò lổn nhổn, ruồi kiến bu quanh!
      Viết đến đây, lòng như chùng xuống, lắng đọng đau buồn rồi niềm căm phẫn trào dâng cái chủ nghĩa vô thần cuồng tín với những "Động vật Cao cấp Phi Sơn", vô hồn vô cảm bất nhân hại dân bán nước đang thống trị dân ta.
      Chính ông cựu Tổng trưởng Thông tin Phạm Xuân Thái đã kể cho tôi nghe về cách đối xử “nhân đạo” đầy tình người của y đối với những người tù bệnh hoạn ốm đau. Số là phe ta ở các trại, sau một thời gian lao động khổ sai ai cũng đau ốm không nhiều thì ít. Khi khai ốm, mang chăn mền lên phòng “tắm hơi” là một nhà nhỏ, che và lợp bằng tôn nên buổi trưa dù ở Bảo Lộc vẫn nóng mồ hôi nhỏ giọt. Tiêu chuẩn mỗi người được lưng chén cháo khoai mì, một lon guigoz nước mỗi ngày. Trưa hôm đó, không thấy nhà bếp phát cháo, anh em xôn xao ngơ ngác hỏi thì biết đó là lệnh của “Ban Phi Sơn” chỉ cho anh em một chén nước luộc củ mì. Lúc sắp điểm danh vào phòng, tên trật tự Tường được lệnh thu hết gậy chống, mùng mền và nói ai đi được thì đi, không đi được thì bò về phòng. Nếu không về tối nay không bảo đảm tính mạng...
       Ai nghe cũng lạnh người vì vốn biết tên này giết người không gớm tay chút nào. Thế là chẳng ai bảo ai đều nằm xuống bò lê bò lết, kẻ trước người sau giống như cái trò thể thao “khuyết tật” quay chậm bây giờ. Thật là cười ra nước mắt, trông cảnh này ai mà không thương nhưng cũng thấy tức cười vì trong đó cũng có một vài anh em mình cũng giả ốm để gặp nhau nói chuyện đỡ buồn!
      Năm ngoái, một anh hình như là cảnh sát đặc biệt ở tù lâu quá, khi lên cơn chửi rủa Hồ chí Minh thậm tệ. Phi Sơn bắt lên, chính tay y lấy kìm bẻ gẫy mấy cái răng máu me đầy mồm, anh bạn mình chỉ kịp la ối một tiếng rồi ngất đi. Tên giám thị gian ác cười ha hả rồi chửi “Địt mẹ mày, sao mày không chửi bố mày mà chửi bác tao... !”. Anh bạn nhà mình đau quá, tá hoả tam tinh rồi hình như từ đó bớt chửi hơn, có chửi thì lải nhải trong miệng chứ không thấy gào lên la làng như trước!
      Tên Phi Sơn này thường cúi đầu đi lầm lũi một mình như bóng dáng của tử thần, lúc nào cũng lầm lì không nói mà đã nói ra là cùm, cùm cho nó rục xương, là giết chóc mà chưa bao giờ nghe y nói thả ai ra bao giờ. Chính Phi Sơn đã ra lệnh cùm một anh cán binh chiêu hồi đến chết, khi khiêng xác ra thì thấy đầu chỉ còn trơ xương trán, sau gáy ót sau bẹt ra, người gầy ốm tong teo còn hơn dân Somali chết đói bên Phi Châu.
     Khi vừa viết đến đoạn này thì tôi nhận được một bài nghiên cứu về tâm lý thần kinh của Nguyễn Quang, một cựu tù nhân ở Thung lũng tử thần. Trong đó có đoạn viết về tên hung thần khác mà theo nhà tội phạm học Lombroso gọi là “sát nhân bẩm sinh” như sau: “Lâm cán bộ an ninh trạc 30 tuổi, trong ánh mắt sâu chỉ có màu trắng và một chút con ngươi đen muốn chìm hẳn, dường như y luôn có ảo giác quyền lực: Đó là quyền giết người, y hầu như không có nụ cười, con người ốm o, ho hắng khục khặc này lúc nào mở miệng ra là “Cùm”, cùm … cho nó chết. Nét chung của bọn cán bộ trẻ nầy là không có từ nào về sống còn, sống sót, sống với, cứu người, giúp người … Đó là những từ quá xa lạ với chúng.
      Những ai đã từng qua trại Thung lũng tử thần, thật sự đều rùng mình khi nhớ lại từng tên cán bộ an ninh ở đây, mỗi tên đồ tể đó đều có nét riêng của sự ác khác nhau … và người ta không ghê  tởm sự hôi thúi của xác chết bằng chính mùi tanh lạnh lùng của kẻ giết người, trước cái chết của đồng loại chúng còn nhân danh chuyên chính vô sản lạnh lùng nói: “Tao sẽ cùm mày cho mày chết rục xương. Chúng mày phải chết, chết hết...     Giết một người đã là khác thường, giết nhiều người lại nhân danh chính nghĩa ư? Đó quả là thứ ảo giác của triệu chứng tâm thần thời đại cộng sản !!!”.      Trại Đại Bình còn giam giữ nhiều anh em Thượng trong đó có anh K’ Jip án chung thân. Bị cùm còng lâu ngày, anh K Jip thường kêu tên y chửi nên bị cúp phần ăn không cho uống nước. Chính tên Phi Sơn đã ra lệnh cùm còng anh K’Jip cho đến chết không tháo cùm còng. Cuối cùng chịu không nổi anh đã chết vì suy kiệt, khi anh em tù vào khiêng xác thì thấy chỉ còn một hình nhân với bộ xương cách trí, ống quyển và chân sưng lên lở loét đỏ lòm, dòi bọ bò lúc nhúc. Lúc anh em bước vào nâng người anh ta dậy thì nền xi măng nhám nhúa kéo lại mảng da lưng bầy nhầy máu mủ đông đặc. Tên cán bộ một tay bịt miệng một tay mở khoá không được vì rỉ sét lâu ngày nên bảo anh em lấy xà beng vào tháo giỡ cả cái cùm, lấy chiếu bó lại rồi đem đi chôn cùng với người anh em tù xấu số này!
      Suốt mấy ngày cả trại anh em ai cũng ngơ ngác đau không ai muốn nói với ai điều gì, chỉ biết im lặng thở dài ngao ngán … Không biết bao giờ tới phiên mình hắt hiu hiu hắt như anh bạn K’Jip thân thương của mình đây. Trên thế gian có còn cảnh tượng nào đứt ruột hơn nơi địa ngục trần gian này hở trời?
  CẮT GÂN TRA TẤNRỒI MỚI ĐẬP ĐẦU TÙ CHO ĐẾN CHẾT!!!      Thời gian ở trong tù, thi sĩ Tú Kếu có làm bài thơ tuy lấy tên là “Vô đề”, đó là tiếng kêu bi thương, lời phản kháng trước những hành động phi nhân của những con người Việt gian Cộng sản vô cảm vô hồn. Làm sao mọi người chúng ta có thể biết được cộng sản dã man vô nhân đạo đến chừng nào nếu không có những chứng nhân của lịch sử. Tú Kếu là một chứng nhân sống đã từng chứng kiến cảnh chúng tử hình những người anh em của mình. Chính Tú Kếu đã nhìn thấy cảnh anh em mình cong người lên lãnh hàng loạt đạn vào người... trong u uất nghẹn ngào...
      Khoảng tháng 8 năm 1980, anh em tù nhân chính trị đội 21 trại Đại Bình tổ chức vượt trại, một số anh em bệnh hoạn không đủ sức vượt trại nên khai bệnh ở nhà trong đó có Tú Kếu. Hồi đó mỗi đội đi lao động thường có 1 tên quản giáo đeo súng ngắn, 2 hoặc 3 tên võ trang cầm súng AK đi theo. Theo đúng kế hoạch, anh em đã sắp xếp cho 2 anh em khoẻ đi kèm một tên cán bộ võ trang. Lúc toán đầu của đội băng ngang qua cây cầu cây Đại Bình là khúc quanh, bọn công an đi sau bị che khuất là toán cảm tử đi đầu nhảy ra chụp tên võ trang. Cũng lúc đó 2 toán sau cũng đồng loạt bay ra chụp 2 tên còn lại... Tất cả mọi tính toán đã thành mây khói do một thoáng do dự nên khi Long nhảy ra ôm tên võ trang thì tên võ trang dẫn toán thứ hai đã đi qua khúc quanh, nó nhìn thấy nên nhảy ra bắn xâu táo chết luôn tên cán bộ. Bọn công an tàn sát thẳng tay, 6 xác anh em máu me đầy người nằm ngổn ngang, trong khi cả đội chỉ biết nằm úp xuống nín thở phó thác số mệnh cho sự rủi may may rủi...
       Ban giám thị ra lệnh tập họp dẫn đội về trại, sau khi nhập trại bọn an ninh đánh đập anh em tàn nhẫn để khai thác. Tên giám thị Phi Sơn ra lệnh dẫn 4 người anh em ra khỏi trại, cả đội hồi hộp đợi chờ suốt đêm không thấy về chắc là anh em bị chúng đem đi nhốt ở xà lim. Sáng hôm sau xuất trại mới nghe anh em lao động tự giác kể lại là họ phải đi chôn 4 người anh em, tay chân bị cắt gân đầu gối, cắt nhượng gót chân, đầu bị đập bể nát thảm thương vô cùng. Cả mấy tuần sau anh em ăn không vô, làm sao nuốt nổi miếng cơm như còn đọng ngay nơi cuống họng, không phải một con ngựa đau mà tới mười con người, mười người anh em đồng chí hướng đã tức tưởi hy sinh thảm thiết. Tú Kếu đã nghe chính một cán bộ có tình cảm với anh em tù chính trị kể lại kể lại cảnh tra tấn bằng cách lấy lưỡi lê cắt gân chân để khảo tra rồi đập đầu cho đến chết …  Những cảnh tượng dã man không thể tưởng tượng được, những hờn căm u uất nghẹn ngào đã được Tú Kếu diễn tả qua bài thơ “Vô đề” chính là bản cáo trạng của cộng sản bạo tàn trước lịch sử, trước lương tri của nhân loại văn minh tiến bộ hôm nay:
               Chính đêm ấy ... mảnh trăng liềm đẫm máu             Tưởng chừng như thân thể bạn bè tôi              Uốn cong lên, khi bị bắn tơi người              Miệng nguyền rủa, nhưng không còn tiếng nói...              Môi mấp máy, đúng môi còn mấp máy              Như muốn tuôn dòng … thác đổ căm hờn              Như muốn gào to … Không thể dã man hơn...              Không thể dã man hơn … quân khốn kiếp!      Thời gian xảy ra vụ thảm sát Đại Bình, tôi và linh mục Trần Thế Phiệt bị giải giao lên xà lim tử hình ở Đà Lạt lấy cung vì tội âm mưu tuyên truyền chống phá trại. Tôi viết cho linh mục Phiệt về “Đường hướng cách mạng hoá hiện đại hóa Việt Nam”, không hiểu do sơ ý thế nào mà linh mục Phiệt giấu trong cuốn giấy vệ sinh bị bọn cán bộ an ninh tìm thấy khi xét phòng. Tôi được anh em thông báo nên trong lúc cung khai tôi một mực tử thủ lời cung là chỉ viết lại để nghiên cứu bài viết chủ trương của thủ tướng Jamaica đăng trên mẩu báo nhân dân tôi nhặt được cách đây khoảng 1 năm. Lúc dọn phòng tôi để quên trong cuốn giấy vệ sinh chứ không viết để gửi cho ai cả. Tôi cố kéo dài cung cán may ra thời gian có thể cứu sống chứ lần này thì ăn gà là cái chắc rồi.  Sau gần một tháng trời, 2 tên cán bộ an ninh thay phiên hỏi cung ngay cả giữa nửa đêm không cho tôi một lúc nào yên ... Cuối cùng, tên Truyền “cán bộ giáo dục”, bí thư chi bộ trại tù tức quá chỉ mặt tôi nói: “Chắc Phạm Trần Anh sợ không sống nổi trong bốn bức tường đá nên viết lại cho Trần Thế Phiệt tiếp nối sự nghiệp chống cộng chứ gì. Tôi đã tìm đọc hết báo chẳng có thủ tướng nào cả mà chỉ có Phạm Trần Anh viết ra mà thôi … Tôi nói với anh lần chót, nếu anh thành khẩn khai báo thì tôi lấy danh dự bảo đảm với anh là sẽ khoan hồng cho anh. Còn nếu anh ngoan cố thì anh làm hành chánh, anh biết rồi đấy, chỉ cần vài tờ báo cáo là xong hồ sơ…”.  Tôi biết là tên này lấy vụ bắn anh Quý ở hàng rào ra hù doạ thôi chứ bố bảo nó cũng không dám bắn vì chúng còn phải khai thác tìm ra anh em trong tổ chức mà chúng gọi là “đồng bọn”. Tôi nói với y là “Tôi cám ơn cán bộ nếu cán bộ dám bắn tôi để mẹ tôi bớt khổ, vợ con tôi bớt khổ vì lo lắng cho tôi ...”. Nói xong tôi xin phép đi tiểu. Tôi đánh ván bài tẩy, mình tẩy “xì” mà nên bắt luôn tẩy “sất” của y, nó chưa khai thác được cung cán thì làm sao mà dám bắn. Tôi đứng dậy đi ra gần hàng rào đứng đái thoải mái. Đái xong tôi đứng đó đưa mắt nhìn lên ngọn núi Đại Bình nổi bật trên nền trời xanh như chờ đợi loạt đạn kết thúc đời mình nhưng chẳng thấy động tịnh gì, mấy phút sau thì nghe y kêu lớn “Thôi về phòng”. Không khai thác được gì nên Trại quyết định giải giao lên Ty Công an Đà Lạt, tên giám thị Phi Sơn tuyên bố trước trại là: "Chung thân mà còn chống thì tử hình, các anh chống mắt mà xem thằng Phạm Trần Anh có trở về không?".
      Một năm sau, chúng tôi được đưa về lại trại Đại Bình trước sự mừng vui của anh em trong lúc ban giám thị trại tức tối ra mặt. Mỗi lần trại báo động là bọn võ trang chạy tới mở cửa sổ xà lim kêu tên tôi “Phạm Trần Anh ngồi dậy” rồi chúng chĩa súng thẳng vào ngực tôi rồi lên đạn AK nghe xoạch một cái khiến cả phòng xanh máu mặt. Bản thân tôi lúc đó cũng choáng váng nhưng rồi chúng lại đóng cửa sổ lại, từ đó một tháng khoảng 4,5 lần chúng khủng bố tinh thần tôi liên tục mỗi khi có tiếng kẻng báo động. Chính vì vậy anh em nhắn vào nói tôi phải cẩn thận, có đau ốm thì đợi bác sĩ phe ta vào chữa trị đừng khai báo gì với y tá trại. Tôi vẫn bình thản chấp nhận vì tin vào cái số chưa chết của mình, đã hai lần thoát bản án tử hình trông thấy mà chính tôi cũng không ngờ là tôi có thể qua được …





No comments:

Post a Comment