Tuesday, November 15, 2016


NHÂN DÂN TA RẤT ANH HÙNG!

     Nhiều lúc ngồi nghĩ lẩm ca lẩm cẩm không chừng mà lại đúng để tự an ủi mình rằng có lẽ kiếp trước mình cũng là tay sát thủ “Độc cước đại hiệp”chăng? Với cú đá song phi sát thủ chắc chết nhiều người lắm nên kiếp này mới bị cùm hai chân banh ra, cứ nằm ngửa chờ chờ không nằm nghiêng được gần bẩy năm trời! Lồng ngực và hai lá phổi như xẹp lép dán xuống nền ciment. Anh em ai cũng có cảm giác như mình đang ngồi trên một phi thuyền đi vào không gian vô định, không biết bao giờ đáp xuống hoặc bị nổ tung bất cứ lúc nào?

     Lúc đó ngoài giấc mơ chiến thắng mình còn mơ ước nhỏ nhoi là được ngủ nghiêng một giấc, đơn giản thế thôi. Vậy mà giấc mơ đó 7 năm sau khi ra khỏi xà lim mới thành hiện thực:“Bẩy năm mơ giấc ngủ nghiêng, hết đêm lại sáng xích xiềng chân tay...”. Ừ xích thì xích, xiềng thì xiềng có chết thằng Tây nào đâu mà sợ. Máu anh hùng lại nổi lên thách thức ngạo nghễ:

“ Chân cùm tay xích đầu sao xích,
Xích sẽ có ngày xích phải tung ..!

Tư tưởng tinh thần làm sao xích,
Xích sẽ đến ngày xích phải tung ...!
A ha .. A ha ..!

     Thỉnh thoảng đôi lúc thấy mình được nối gót tiền nhân bỗng không thấy buồn nữa mà chỉ buồn năm phút thôi nên lại rung đùi thấy khoái chí. Ngày xưa chỉ có cấp tướng mới có 1 trung đội lính gác còn ta bây giờ “Nước mất nhà tan” rồi mà còn có cả một đại đội Việt cộng chăm lo canh gác, cơm bưng nước rót đầy đủ còn gì sướng hơn, bèn xụất khẩu thành thơ luôn: “Cơm bưng nước rót canh đưa, Hỏi chi sướng vậy xin thưa ủ tờ. Ủ tờ là ở tù đó quí vị ạ ...

     Thế rồi một buổi sáng nọ, sau bốn tháng nằm xà lim mới được cho ra tắm 1 lần rồi ngồi phơi nắng gần “Tứ Giác Đài”, anh em thường gọi đùa như vậy vì khu xà lim có 4 phòng bê tông kiên cố, tường dày hơn 40 cm … chỉ thua Ngũ giác đài một chút thôi. Tình cờ bạn ta thi sĩ Tú Kếu, người một thời nổi tiếng vì xem: “Sự đời như cái lá đa, đen như mõm chó chém cha sự đời ...” ở đâu đi ngang qua, vẫn dáng người khô mộc đại nhân, mặt vêu lên râu ria lổm chổm và vẫn phong độ như ngày nào. Người đi ngang ta, mặt vẫn nhìn thẳng đọc liền một câu như đắc ý lắm:

“Nhân dân ta rất anh hùng ...

     Lát sau lại làm bộ đi ngang qua lần nữa, sợ mấy thằng chèo nhìn thấy nên mặt vẫn nhìn phía trước tỉnh bơ:

Đảng ta lãnh đạo, nửa khùng nửa ngu!”

     Tôi ngồi nghĩ mãi chẳng biết nói gì với bạn ta, mà mấy chú Cán Ngố nó ngồi nhìn chằm chặp nên tôi cũng ngồi tỉnh bơ lải nhải một mình rồi đợi bạn ta đi ngang vội đọc cho Tú Kếu nghe:

“Nhân dân ta rất cần cù …
Đảng ta lãnh đạo, nửa ngu nửa khùng ..!”

và cứ thế cứ anh hùng rồi lại nửa khùng nửa ngu, lại rất cần cù rồi đảng ta lãnh đạo nửa ngu nửa khùng … thế mà cũng đã bao năm trời trôi qua trong uất hận khôn nguôi!

                                                             VUỐT MẶT ...                                                               
LUỐNG ĐOẠN TRƯỜNG!

     TRONG NHỮNG GIỜ PHÚT SÀIGÒN HẤP HỐI đó, tôi đã quyết định ở lại. Lẽ nào cả một chế độ lại suy xụp mau chóng như thế này sao? Tôi không tin điều đó nên quyết định cùng với một số anh em tìm về miền Tây xem còn nơi nào chiến đấu mình sẽ vào đó chiến đấu tới cùng. Trong khi bà con chạy ngược lên Sài Gòn ra hướng biển thì tôi và Phan Lạc Giang Đông chạy ngược xuống Long An … để rồi cuối cùng thì chẳng còn gì...  Còn gì nữa đâu khi tướng Nguyễn Khoa Nam đã tự sát đúng nghĩa của một viên tướng thủ thành như các danh tướng Phạm văn Phú, Trần văn Hai, Lê văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

                         Gươm đàn hề nửa gánh,
                         Sầu cố quốc khôn khuây …
                         Nam nhi hề chí khí,
                         Vuốt mặt luống đoạn trường!

     Những ngày tháng buồn phiền, hoang mang lo sợ của anh em quân nhân công chức Việt Nam Cộng Hòa sau 1975, nhất là khi cái gọi là “chính quyền cách mạng lâm thời” ra thông cáo kêu gọi đi trình diện. Anh em chúng tôi ngồi la liệt trong sân sau của Toà Đô Chánh Sài Gòn, mỗi người một tâm trạng không nói ra nhưng ai cũng hoang mang lo sợ. Tôi ngồi bên mấy người bạn, anh em ngao ngán nhìn nhau. Thấy tôi ngồi hút thuốc lá liên tục hết điếu này đến điếu khác, ai cũng hỏi Phạm Trần Anh tính sao? Tôi cười hề hề… đã đến lúc này còn tính sao nữa. Chấp nhận thương đau tới đâu thì tới.

     Khi đi trình diện mỗi người phải kê khai lý lịch “Ba đời của gia đình” và 3 người bạn thân nhất. Trời xui đất khiến sao đó, tôi đem ngay ông cậu em bà ngoại của tôi trước theo Việt Minh sau trở thành đảng viên cộng sản đã chết ở Côn đảo vào lý lịch. Tôi lại khai 3 người bạn thân, thực ra là chỉ nghe tên chứ có quen biết gì đâu là Trần Quang Long, Phan Duy Nhân và Trần Triệu Luật trước 1975 là những sinh viên Cộng Sản hoặc khuynh tả thân cộng tôi cũng không rõ lắm. Tết Mậu Thân cả ba đã vào mật khu của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đã chết rồi thì lấy ai mà kiểm chứng đây?.

     Chúng tôi ai cũng ít nhiều lo lắng nhất là lúc chờ đợi gọi tên từng người vào trình diện thật lâu mà không thấy ra nên lo sợ không biết số phận người anh em mình ra sao? Đến lúc gọi tên tôi vào trình diện tôi mới vỡ lẽ ra. Vừa bước vào phòng tôi thấy một anh Việt cộng xanh xao gầy còm không còn bám cành đu đủ nữa mà ngồi chồm hổm kiểu nước lụt trên cái ghế trước mặt là cái điếu cày thuốc lào loang lổ vết bẩn trên bề mặt ống tre. Ông ta không nhìn tôi mà cúi mặt đọc từng chữ trên tờ khai lý lịch của tôi một hồi lâu mới cất tiếng hỏi: “À, anh làm quản đốc coi tù hả?”. 

    Tôi giật mình té ra anh chàng này chắc chắn là tù Côn đảo, Phú Quốc rồi nên bị ám ảnh bởi Quản đốc Trung tâm Cải huấn coi tù rồi, không khéo nó trả đòn thù thì khốn nạn! Tự nhiên tôi nhớ tới ông cậu em bà ngoại đi theo Việt Minh bị bắt giam ở Côn Sơn nên buột miệng hỏi: “Chắc là ông có ở tù ngoài Côn đảo?”. Anh ta gật đầu, tôi hỏi tiếp: “Vậy anh có biết ông Lưu Chí Hiếu không?” Ông ta nói ngay như một cái máy: “Ai mà không biết anh Hai Hiếu … mà sao anh biết anh Hai Hiếu?”. Tôi trả lời ngay: “Ông ấy là ông cậu ngoại của tôi”. Nghe vậy, chắc ông ta tưởng tôi thuộc gia đình “cách mạng” đây, với tay lấy cái ống châm điếu thuốc, rít một hơi dài rồi chậm rãi hỏi: “Anh có muốn đề nghị gì không? ”.

     Trong một thoáng tình cờ, tự nhiên tôi trở thành gia đình “cách mạng” nên đã lỡ thì chơi tới luôn để tính sau, tôi nói: “Đề nghị với anh cho tôi về lại Lâm Đồng”. Không nói gì, ông ta lúi cúi viết rặn ra từng chữ … gần mười phút sau mới đưa cho tôi tờ giấy chứng nhận trình diện rồi bước ra cửa trước của toà Đô Chánh. Tôi lấy bật lửa châm điếu thuốc Bastos rồi móc tờ giấy ra xem. Trên tờ giấy đánh máy quay ronéo có mấy chữ nguệch ngoạc: “Đề nghị cho anh Phạm Trần Anh về tiếp tục phục vụ tại Lâm Đồng”. Tôi giật mình rồi mỉm cười vỏn vẹn chỉ có mấy chữ mà tôi lại trở thành gia đình cộng sản rồi!

     Quả nhiên khi tôi về lại Bảo Lộc, đến Uỷ ban nhân dân xã Lộc Thiện trình diện thì thấy Trần Minh Thảo trước dạy ở trường Trung học Bảo Lộc đầu đội nón cối, vai đeo túi “Xà cốt”, y ngạc nhiên hỏi tôi: “Ông còn về đây làm gì?”. Tôi cười trả lời tỉnh queo: “Ủa sao không về bạn?”. Y xem tờ giấy chứng nhận trình diện của tôi im lặng một chút rồi nói: “Thôi ông cứ về đi ....”. Tôi biết y nói vậy chứ nghi ngờ và cay cú lắm. Sau đó, tôi bị gọi đi học tập ngắn hạn 10 ngày ở địa phương, tôi có sơ hở khi tranh luận với tên Ba Đạt thường vụ huyện Bảo Lộc khi y hỏi tôi là tại sao lại ghi là trí thức vô sản chân chính. Tôi nói “Hiện giờ tôi là trí thức vô sản chân chính, các anh cứ điều tra xem tôi có tài sản nhà cửa gì không trong khi các anh là giai cấp vô sản thì bây giờ nhà cửa tài sản…”. Cuối khoá học chúng yêu cầu tôi lên phát biểu cảm tưởng thì tôi nói là: “Tôi “có tội” với nhân dân vì trong quá khứ đã “Kềm kẹp” nhân dân bằng giấy tờ khiến nhân dân “mất tự do và đói khổ hơn bây giờ…” khiến cả hội trường phì cười một cách rất ư là đau khổ..!”.

     Sau này, tôi được biết là có lần họp tên Thảo đưa ra vấn đề đưa tôi đi học tập dài hạn vì tôi không ra cộng tác với “cách mạng” thì bà Tám, trưởng khu 4 xã Lộc Thiện trước là một bạn hàng chợ Bảo Lộc. Bà Tám đã đấu tranh bênh vực: “Tôi biết nó từ trước “giải phóng”, tuy nó là Trưởng ty “Ngụy” nhưng nó nghèo, vợ nó phải bán chè cho học sinh, nó đã bênh vực cho dân nghèo trong phiên họp bạn hàng chợ Bảo Lộc...”. Số là trong phiên họp do tòa Hành chánh tỉnh mời bạn hàng chợ về việc chỉnh trang chợ, tôi có nói rằng: “Bà con hãy nghĩ tới lợi ích chung là xây dựng ngôi chợ mới lớn hơn, đầy đủ tiện nghi hơn và đẹp như chợ Đà Lạt. Bà con đừng nghĩ là chính quyền bày ra để khó dễ đòi hối lộ. Xin mời bà con cứ vào Toà Hành chánh tỉnh gặp thẳng tôi, tôi bảo đảm trong vòng một tháng có giấy phép và không mất một đồng nào. Nếu ai biết hút thuốc tôi còn mời một điếu Bastos nữa...”.

     Chuyện đời nhiều khi nghĩ lại cũng thấy cảm động vui vui xem như trúng xổ số lô an ủi vậy ... Tôi còn nhớ là khi nhận lệnh bàn giao quận Tam Bình sang Minh Đức thì có 147 thân hào nhân sĩ, giáo chức kể cả nghị viên Hội đồng Tỉnh ký tên vào kiến nghị xin Đại tá Tỉnh trưởng giữ tôi ở lại Tam Bình nhưng không được nên lấy nhà lồng chợ tổ chức đãi đằng ăn nhậu suốt đêm … Hầu như mấy ông Quận trưởng nào cũng không ưa tôi vì tôi là “kỳ đà cản mũi” nên quận nào cũng chỉ ở được hơn một năm thì bị đề nghị thuyên chuyển. Rời quận Minh Đức sang Trà Ôn chưa được một năm lại nhận lệnh về trình diện toà Hành chánh Tỉnh với lý do là cấp chỉ huy duy nhất ở tỉnh Vĩnh Long không gia nhập đảng Dân chủ. Tôi về tỉnh lên gặp thẳng Đại tá Trần văn Thì, tôi yêu cầu cho tôi biết lý do, tôi không tham nhũng như ai đó ... Thấy tôi lớn tiếng, ông ta gọi điện thoại cho ông Phó Tỉnh trưởng lên kéo tôi xuống. Sau đó tôi được cử đi thanh tra nghĩa là ngồi chơi xơi nước … Tôi còn nhớ là khi thành lập nhóm Hà Thúc Nhơn chống tham nhũng tại võ đường Hoa Lư của Vovinam, tôi gặp nhà “Giám sát viện tư Ngô Xuân Thọ”, người từng tố cáo với báo chí bố ông là Chủ tịch Giám sát viện Ngô Xuân Tích đã lấy của công 4 chiếc vỏ xe. Anh em chúng tôi quen biết và quý mến nhau nên khi nghe tin tôi bị trù dập đã viết thư giới thiệu tôi với anh Nguyễn Huy Hân, một người sạch lúc đó đang giữ chức Tổng Giám đốc Thuế vụ để về Sài Gòn lo việc chống tham nhũng, gian lậu thuế. Bây giờ nghĩ lại so với bọn cộng sản tham nhũng gấp ngàn lần chế độ Việt Nam Cộng thì những “Ngày xưa thân ái” cứ như chuyện phong thần vậy!

No comments:

Post a Comment