Thursday, November 3, 2016

PHỤC HỒI SỰ THẬT LỊCH SỬ
 
“ TRẢ LẠI NHỮNG GÌ …
 CỦA LỊCH SỬ CHO LỊCH SỬ”
 

    
            PHẠM TRẦN ANH


Lịch sử Việt là lịch sử của sự thăng trầm từ khi lập quốc đến ngày nay trải qua hàng ngàn năm đô hộ của giặc Tàu, gần một trăm năm nô lệ giặc Tây và hơn nửa thế kỷ nô dịch văn hóa ngoại lai. Trong suốt trường kỳ lịch sử, Hán tộc bành trướng với ưu thế của kẻ thắng trận và thủ đoạn thâm độc quỷ quyệt đã không những dùng mọi phương cách để đồng hóa Việt tộc bằng cách xóa đi mọi dấu vết cội nguồn, bóp méo sửa đổi lịch sử khiến thế hệ sau chỉ biết tìm về lịch sử trong một mớ “chính sử” hỗn độn mơ hồ. 


Mỗi một triều đại Hán tộc đều chủ tâm thay đổi địa danh, thủy danh xưa cũ của Việt tộc cùng với ảnh hưởng nặng nề của một ngàn năm đô hộ của sự nô dịch văn hóa khiến ta chấp nhận tất cả như một sự thật mà không một chút bận tâm. Thế nhưng… Lịch sử vẫn là lịch sử của sự thật dù bị sửa đổi vùi lấp hàng nghìn năm dưới ánh sáng của chân lý khách quan trước thềm thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại.


Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải nhìn lại toàn bộ lịch sử Việt để phục hồi sự thật của lịch sử để xóa tan đám mây mờ che lấp suốt mấy ngàn năm lịch sử bởi kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.. Trong lịch sử nhân loại, có lẽ không một dân tộc nào chịu nhiều mất mát trầm luân như dân tộc Việt với những thăng trầm lịch sử, những khốn khó thương đau. Ngay từ thời lập quốc, Việt tộc đã bị Hán tộc với sức mạnh của tộc người du mục đã đánh đuổi Việt tộc phải rời bỏ địa bàn Trung nguyên Trung quốc xuống phương Nam để rồi trụ lại địa bàn Việt Nam bây giờ. Trải qua gần một ngàn năm đô hộ, với chiến thắng Bạch Đằng Giang năm 938 của Ngô Quyền mới chính thức mở ra thời kỳ độc lập của Việt tộc. Tuy thất bại về quân sự nhưng nền văn hóa của Việt tộc đã thẩm nhập vào đất nước và con người Hán tộc để hình thành cái gọi là văn minh Trung Quốc. 


Chính sử gia chính thống của Hán tộc là Tư Mã Thiên đã phải thừa nhận một sự thực là “ Việt tuy gọi là man di nhưng tiên khởi đã có đại công đức với muôn dân vậy ..!”. Vạn thế sư biểu của Hán tộc là Khổng Tử đã ca tụng nền văn minh rực rỡ, xác nhận tính ưu việt của nền văn minh Bách Việt ở phương Nam. Trong sách Trung Dung Khổng Tử đã viết như sau:“Độ luợng bao dung, khoan hòa giáo hóa, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam, người quân tử ở đấy ..!  Mặc giáp cưỡi ngựa, xông pha giáo mác, đến chết không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Kẻ cường đạo ở đó ..”. 


Trong kinh “Xuân Thu”, Khổng Tử đã ghi lại bao nhiêu trường hợp cha giết con, con giết cha, cha cướp vợ của con, con cướp vợ của cha, anh chị em dâm loạn với nhau, bề tôi giết chúa … Điều này chứng tỏ Hán tộc du mục vẫn còn dã man với lối sống du mục.ngay trong giới quí tộc chứ đừng nói đến bình dân. Thế mà chính sử Trung Quốc cứ vẫn sao chép Việt tộc là man di, các Thứ sử Thái Thú Hán vẫn lên mặt giáo hóa dân Việt trong khi Bách Việt ở phương Nam đã đi vào nền nếp của văn minh nông nghiệp từ lâu. 


    Chính“Vạn thế Sư biểu” của Hán tộc là Khổng Tử cũng đã phải đem những nghiên cứu, sưu tập, học hỏi của nền vă minh Bách Việt phương Nam đặt để thành những quy luật, trật tự cho xã hội phương Bắc. Tất cả những “Tứ thư, ngũ kinh” được xem như tinh hoa của Hán tộc đã được chính Khổng Tử xác nhận là ông chỉ kể lại “Thuật nhi bất tác”, sao chép lại của tiền nhân chứ không phải do ông sáng tác ra. 


Ngày nay, sự thật lịch sử đã được phục hồi khi giới nghiên cứu đều xác nhận hầu hết các phát minh gọi là văn minh Trung Quốc từ nền văn minh nông nghiệp đến văn minh kim loại, kỹ thuật đúc đồng, cách làm giấy, cách nấu thủy tinh, cách làm thuốc súng, kiến trúc nóc oằn mái và đầu dao cong vút … tất cả đều là của nền văn minh Bách Việt. Chính một vị vua của Hán tộc, Hán Hiến Đế đã phải thừa nhận:“Giao Chỉ là đất văn hiến, núi sông un đúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất ..!”.

 Ngày nay, hầu hết các học giả, các nhà Trung Hoa học đều cho rằng văn hoá Trung Quốc phát nguyên từ văn hóa Việt ở miền Nam Trung Quốc. Các sử gia Trung Quốc thời trước cố tình không thừa nhận một sự thực, đó là sự đóng góp to lớn của cư dân Hoa Nam tức người Việt cổ trong việc hình thành tạo dựng nền văn minh Trung Hoa. Học giả Eicks Kedt nhận định rằng Tư Mã Thiên, sử gia chính thống của “Đại Hán” sinh ở Long Môn thuộc Sơn Tây nên nhất quyết từ chối không để lại bất kỳ một tài liệu gì về dân Mạn Nam. Hầu như tất cả người Tàu mạn Bắc đều như vậy.  Eicks Kedt tiếc rằng những học giả Âu Tây chỉ biết ngốn nghiến sử liệu của Tư Mã Thiên hay những sử gia khác mà không chú ý đến việc bẻ quặt do sự bỏ sót nhiều sự kiện, nhất là khi nói đến các dân Man Di ngoài Hán tộc. Lý do của sự bỏ sót đó là họ đã xem Nho giáo xuyên qua lăng kính nhuộm đẫm màu Hán tộc nên chỉ nhìn nhận để có những gì thuộc miền Bắc nước Tàu mà thôi.

 Một nhà nghiên cứu về Trung Quốc khác là Terrien de la Couperie trong tác phẩm “Những ngôn ngữ trước Hán” đã nhận định: “Người Hán ngại nhìn nhận sự có mặt của những cư dân không phải là Hán tộc sống độc lập ngay giữa miền họ cai trị. Tuy họ không thể giấu được sự kiện là họ đã xâm lăng, nhưng họ đã quen dùng những danh từ đao to búa lớn, những tên địa dư rộng để bịt mắt những độc giả không chú ý, hầu che đậy buổi sơ khai tương đối bé nhỏ của họ. Muốn tìm hiểu các cư dân đó thì chỉ còn cach là đi dò tìm vết tích còn quá ít vì cho tới nay, người ta ít chú ý tới sự quan trọng lịch sử của các chủng tộc tiền Hán trừ một hai chuyện gây sự tò mò mà thôi”. Terrien de la Couperie kết luận: “Niềm tin là Trung Quốc vốn lớn lao mãi từ xưa và thường xuyên là như thế chỉ là một huyền thoại. Trái ngược lại, đó là việc mới xảy ra về sau này. Văn minh Trung quốc không phải tự nó sinh ra mà chính là kết quả của sự thâu hoá. Việc thâu hoá thì ngày nay được nhiều người công nhận, còn thâu hoá từ đâu thì trước đây cho là từ phía Tây nhưng về sau này, nhiều người cho là từ văn hoá Đông Nam …”

Theo học giả J.Needham thì Protoviets đã mang theo 25 đặc trưng văn hoá lên địa bàn cư trú mới mà các nhà nghiên cứu nhân chủng, ngôn ngữ và văn hoá liệt kê như sau:

1. Cách làm quần áo bằng vỏ cây.
2. Tục xâm mình.
3. Đốt rừng làm rẫy.
4. Kỹ thuật làm nương rẫy.
5. Kỹ thuật đào mương dẫn nước vào ruộng.
6. Kỹ thuật thuần hoá trâu để cày bừa.
7. Văn minh trồng lúa nước.
8. Đặc điểm ngôi nhà làng để dân làng tụ họp sinh hoạt.
9. Kỹ thuật trồng tre và sử dụng dụng cụ bằng tre trong sinh hoạt hàng ngày.
10. Đặc thù về giống chó đã được thuần hoá.
11. Kỹ thuật làm tranh sơn mài.
12. Văn hoá biển và sông nước.
13. Kỹ thuật đóng thuyền tàu dài.
14. Tục đua thuyền trong các lễ hội.
15. Huyền thoại về con Rồng.
16. Tôn thờ loài Rồng này.
17. Tục thờ cúng ông bà Tiên tổ.
18. Tục giết heo để cúng bái.
19. Tục cầu tự (cầu cúng để có con nối dõi tông đường)
20.  Hội mùa Xuân, mùa Thu để trai gái tự do vui chơi để tự do lựa vợ kén chồng.
21. Tục linh thiêng hoá ngọn núi.(35bis)
22.  Văn minh Trống đồng.
23.  Kỹ thuật đúc sắt.
24.  Kỹ thuật dùng nỏ bắn tên.
25.  Kỹ thuật làm khí giới có chất độc ( Mũi tên tẩm thuốc độc).

 Sau văn hoá Hoà Bình là VĂN HOÁ BẮC SƠN cũng thuộc nền văn hoá thung lũng mà chủ nhân là cư dân ở trung châu Bắc Việt là chủ nhân của nền văn hoá Bắc Sơn. Thời kỳ này tổ tiên ta đã chuyển hẳn sang trồng trọt và chăn nuôi nhỏ nhưng vẫn còn hái lượm và săn bắt cá. Di tích hang Tham Fi còn gọi là hang ma (Spirit cave) tại Đông Bắc Thái Lan có niên đại C14 là 10-8 ngàn năm. Nhà khoa học Mỹ Chester Gorman cũng đã tìm thấy nhiều hoá thạch lớn của các loại cây trồng như trám, cau, bàng và một số loại rau như rau sắn chùa Hương nửa hoang dại nửa thuần dưỡng và những vỏ trấu ở di chỉ hang Xóm tại Hoà Bình. Thời kỳ này nghề nông trồng lúa đã bắt đầu từ vùng thung lũng rồi phát triển dần lên vùng cao.

 Điểm quan trọng được nhấn mạnh ở đây là khác với Lommel, J. Needham khẳng định rằng: 3 nếp sống văn hoá này đem vào Trung Hoa thời Tiền sử mang yếu tố “Biển” rõ rệt và có thể mô tả bằng một chữ, đó là chữ “VIỆT” mà trước kia thường gọi sai lầm là Thái cổ  (ProtoThai). Học giả lừng danh này còn chú thích rõ chữ Việt nay là quốc hiệu của một nước vùng Đông Nam châu Á: Nước Việt Nam ngày nay. Chính vì vậy, học giả Nga ông Ja.V.Chesnov đã nhận định rất sâu sắc về nền văn minh Trung Quốc như sau: Trước triều Thương, văn hoá Trung Hoa được hình thành với sự đóng góp của văn hoá phương Nam và sau triều Thương tiến bộ là do văn hoá phương Tây ...

Tóm lại, người Trung Quốc mà ta thường gọi là Tàu (Hán tộc) không phải là một chủng thuần tuý và cũng không có một văn hoá riêng biệt nào. Lịch sử Trung Quốc bắt đầu từ triều đại Thương là một tộc người du mục kết quả của sự phối hợp chủng giữa Nhục Chi và Huns (Mông cổ). Kế tiếp là triều Chu cũng là một tộc du mục có hai dòng máu Mông Cổ và Hồi (Turc). Sau khi Mông Cổ chiếm được Trung Quốc đã thành lập triều Nguyên rồi khi Mãn Châu diệt triều Minh lại thành lập triều Thanh trong lịch sử Trung Quốc.

Có thể nói lịch sử Trung Quốc là lịch sử của sự xâm lăng và bành trướng đồng thời cũng bị xâm lăng nhưng tất cả kẻ chiến thắng bị sức mạnh của văn hoá của dân bị trị khuất phục để rồi tự đồng hoá với cư dân bản địa cuối cùng trở thành Hán tộc mà ta thường gọi là người Tàu. Giáo sư Wolfram Eberhard trong tác phẩm “Lịch sử Trung Quốc” đã nhận định: “Ý kiến cho rằng chủng tộc Hán đã sản sinh ra nền văn minh cao đại hoàn tự lực do những tài năng đặc biệt của họ thì nay đã không thể đứng vững, mà nó phải chịu cùng một số phận như những thuyết cho rằng họ đã thâu nhận của Âu Tây. Hiện nay, người ta biết rằng xưa kia không có một chủng tộc Tàu, cũng chẳng có đến cả người Tàu nữa, y như trước đây 2.000 năm không có người Pháp, người Suisse vậy. Người Tàu chỉ là sản phẩm của sự pha trộn dần theo một nền văn hoá cao hơn mà thôi”.

Chính sử gia Trung quốc, Chu Cốc Thành trong “Trung Quốc thông sử” viết: “Viêm tộc (Việt tộc) đã có mặt khắp nước Trung Hoa cổ đại trước khi các dòng tộc khác tràn vào nên có thể xem là chủ nhân đầu tiên. Khi Viêm Việt đã định cư, Hán tộc còn sống du mục tại vùng Tân Cương, Thanh Hải. Về sau họ theo Hoàng Hà tràn vào Hoa Bắc, chiếm đất của Việt tộc”. Nhà nghiên cứu La Hướng Lâm người Trung Quốc trích dẫn “Việt tỉnh Dân tộc Khảo nguyên” của Chung Độc Phật viết: “Cả miền đất châu Kinh (đất nước Sở), châu Dương (đất nước Việt) và châu Lương (đất nước Quỳ Việt) nghĩa là tất cả lưu vực sông Dương Tử từ Vạn Huyện ở Tứ Xuyên trở xuống đều là giống người Việt ở cả. Sách Hoa Dương Quốc chí chép miền Nam Trung gồm Quý Châu, Vân Nam là đất Di Việt xưa. Vùng đất này gồm hơn 1 chục vương quốc như Điền Bộc, Cú Đinh, Dạ Lang, Diệp Du, Đồng Sư, Việt Tuỷ …”. 


Sự thực lịch sử này đã được các sử gia Trung Quốc hiện đại công nhận là Việt tộc theo sông Dương Tử tiến về phía Đông thành lập 7 tỉnh lưu vực sông Dương Tử gồm Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy và Triết Giang. Dần dần Việt tộc tiến lên Hoa Bắc thành lập 6 tỉnh lưu vực Hoàng Hà là Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, Thiểm Tây, Cam Túc và phía Nam thành lập các tỉnh lưu vực Việt Giang gồm Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông và Phúc Kiến.

Ngày nay, các nhà nghiên cứu như VK Tinh, Wang Kwo Wu và cả nhà văn nổi tiếng Quách Mạt Nhược đều xác định là hầu hết các huyền thoại về các vị Vua cổ xưa nhất không thấy ghi trên giáp cốt đời Thương, mà chỉ ghi vào sách vở về sau này, khoảng từ thế kỷ thứ IV TDL, tức là thời kỳ xuất hiện các quốc gia Bách Việt thời Xuân thu Chiến quốc. Thực tế lịch sử này cho thấy những huyền thoại cổ xưa là của Việt tộc vì nếu là tổ tiên Hán tộc thì đã phải ghi trên giáp cốt đời Thương cũng như trong các sử sách, cốt tự văn hoặc chữ tạc trên đồ dùng. Chính vì vậy mà nhóm Tân học gọi là Nghi cổ phái thành lập năm 1920 do Quách Mạt Nhược chủ xướng đã bác bỏ thời Tam Hoàng, Ngũ Đế là của Trung Quốc. 


Thật vậy, huyền thoại về thủy tổ Bàn Cổ mới được nói đến trong quyển “Tam Hoàng”, kể cả Phục Hi, Nữ Oa cũng không hề được nhắc tới trong các sách cổ xưa như Kinh Thi, Trúc thư kỷ niên và cũng không hề thấy xuất hiện trong đồ đồng hoặc bốc từ. Viêm Đế Thần Nông mới được Mạnh Tử thời Xuân thu Chiến quốc nhắc tới còn Hoàng Đế chỉ biết tới vào thế kỷ thứ III TDL khi Tư Mã Thiên đưa vào bộ “Sử Ký” của Tư Mã Thiên. 


Tháng 2-1971, các nhà khảo cổ tìm được ở Liu-ch'êng-ch'iao Trường Sa thuộc vùng Hồ Nam, địa điểm tên là một cái qua còn nguyên vẹn. Trong tác phẩm "Cultural Frontiers in Ancient East Asia" của William Watson viết về những đồ vật đào lên tại tỉnh Hồ Nam trong đó có một cái qua có khắc tên một vị vua tên là Nhược Ngao. Sử Ký Tư Mã Thiên và Xuân Thu Tả Truyện viết rõ là vị vua có hiệu là Nhược Ngao là vị vua Hùng thứ 14 tên thật là Hùng Nghi hiệu Nhược Ngao cai trị vào năm 789 trước Tây Lịch. Điều này chứng tỏ thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử. 


Trước những sự thật của lịch sử, Trung Quốc đã phải xác nhận là nền văn hoá của họ là do hàng trăm dân tộc góp phần tạo dựng nhưng văn hoá Hán ở vùng Tây Bắc là chủ thể. Thế nhưng chính học giả Trung Quốc Wang Kuo Wei lại cho rằng nơi phát nguyên văn hoá Tàu là ở miền Đông Bắc tức vùng Sơn Đông của Lạc bộ Trãi chứ không phải ở miền Tây Bắc (Thiểm tây) như quan niệm sai lầm từ trước đến nay. Sử Trung quốc vẫn cho rằng 3 triều đại Hạ, Thương, Chu là những triều đại đầu tiên của Trung Quốc theo thứ tự, nhưng Kwang Chih Chang khám phá ra thì không phải là như vậy mà đó chỉ là 3 trong nhiều nhóm chính trị đại diện cho các chủng tộc đối nghịch tranh giành ảnh hưởng mà thôi, còn văn hoá thì đều theo như Di Việt nghĩa là cũng thờ thổ thần và cây linh.

 Theo Công trình mới nhất “Nguồn gốc nền văn minh Trung Hoa”, tổng kết trong Hội nghị Quốc tế các nhà Trung Hoa học trên toàn thế giới tổ chức tại Berkeley năm 1978, thì  không thể tìm ra đủ dấu vết chứng cớ để phân biệt giữa Hán tộc và các tộc người không phải là Tàu trên phương diện lịch sử. Giới nghiên cứu phải tìm về dấu tích văn hoá mà về văn hoá thì Hán tộc chịu ảnh hưởng của Di Việt.
Tương truyền Thần Nông phát xuất ở miền Tây Tạng (Tibet) đi vào Trung Nguyên qua ngã Tứ Xuyên tới định cư ở Hồ Bắc bên bờ sông Dương Tử, còn theo dân gian thì ông Bàn cổ chính là ông Bành tổ. Theo dân gian truyền tụng thì mồ mả của ông còn ở đâu đó miền rừng núi Ngũ Lĩnh. Bàn cổ mới được đưa vào lịch sử Trung Quốc đời Tam Quốc trong quyển “Tam Ngũ lược Kỷ” của Từ Chỉnh và theo Kim Định thì Phục Hi, Nữ Oa đều xuất thân từ Di Việt ở châu Từ miền Nam sông Hoài.

Việt tộc là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước đã cư ngụ rải rác khắp Trung nguyên (lãnh thổ Trung Cộng bây giờ) từ lâu trước khi Hán tộc du mục từ Tây Bắc tràn xuống đánh đuổi nhà Hạ của Việt tộc để thành lập triều Thương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Tư Mã Thiên sử gia “Đại Hán” đã mạo nhận Hoàng Đế nguyên là vị thần được dân gian tôn kính là tổ tiên của Hán tộc (Tàu) nên xem nhà Hạ là của Tàu. Thế rồi họ thêm chữ Hoa là một hình dung từ chỉ sự cao sang vinh hiển để trước chữ Hạ để chỉ nền văn minh Hoa Hạ cao đẹp của Việt tộc là của họ. 


Bản chất của đế quốc “Đại Hán” là xâm lược và bành trướng suốt dòng lịch sử nên hết triều Thương rồi đến Chu, Tần, Hán … đã liên tiếp xâm lược đẩy lùi Việt tộc xuống phương Nam. Năm 939 chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử mở đầu thời kỳ độc lập của dân tộc. Hán tộc đã bao lần xâm lược nước ta nhưng đều thất bại thảm hại cho đến ngày nay, Trung Cộng lại xâm lấn lãnh thổ Việt Nam với sự tiếp tay của tập đoàn CS Việt gian bán nước.

     Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, ánh sáng của sự thật soi rọi vào quá khứ bị che phủ hàng ngàn năm bởi kẻ thù Hán tộc bành trướng. Trong thiên niên kỷ thứ hai, nhân loại sửng sốt trước cái gọi là “Nghịch lý La Hy” khi trước đây nhân loại cứ tưởng tất cả nền văn minh Tây phương là của đế quốc Hy Lạp La Mã để rồi sau đó thấy rằng hầu hết các phát minh đến từ Trung Quốc ở phương Đông. Cuối thiên niên kỷ thứ hai, nhân loại lại ngỡ ngàng khi thấy rằng cái gọi là nền văn minh Trung Quốc lại chính là nền văn minh của đại chủng Bách Việt. 


     Một sự thật không thể phủ nhận được là “Huyền tích về Thánh Gióng tức Phù Đổng Thiên Vương” đánh tan giặc Ân vào đời Hùng Vương thứ 8 đã được chính thư tịch cổ Trung Quốc xác nhận sự hiện hữu của quốc gia Văn Lang lúc đó còn ở Quý Châu TQ bây giờ. Ngày nay, với sự tiến bộ của các khoa Khảo cổ học, khoa Khảo Tiền Sử và Khoa Di Truyền học nên tất cả sự thật lịch sử đã được phục hồi một cách khách quan trung thực. Huyền tích đã trở thành một sự thật lịch sử nhưng chúng ta vẫn nhìn về lịch sử xa xưa với những truyền kỳ có thêm phần huyền ảo để sự thật lịch sử được điểm tô hư cấu như một “Sự Tích” có vẻ thi vị huyền hoặc đẹp như một “Áng Sử Thi” của dân tộc chúng ta.


No comments:

Post a Comment