Người Việt không thể hoà hợp hoà giải mà cần một khẩu hiệu khác
Tue, 07/17/2012 - 22:55 — ledienduc
Lê Diễn Đức
Tôi thường dị ứng với câu "Hãy quên đi quá khứ, nhìn về tương lai".
Làm sao một con người có thể quên được quá khứ của mình.
Khi về già ai cũng nghĩ đến những ký ức của thời tuổi trẻ.
Khi sống đầy đủ, hạnh phúc con người có thiên hướng nhớ lại những
thời điểm khó khăn, đau khổ, hiểm nguy và bất hạnh đã trải qua.
Quá khứ luôn hiện hữu ở trong ta, là kho lưu trữ tư liệu đời sống
phong phú nhất và tốt nhất cho những quyết định trong lộ tình kế tiếp
của mỗi nhân sinh.
Victor Hugo (1802-1885), nhà văn Pháp nổi tiếng, một trí thức dấn thân tiêu biểu của thế kỷ 19, đã nhận định:
"Lịch sử là gì? Là tiếng vọng của quá khứ phản ánh tương lai. Là sự phản ánh của tương lai ném vào quá khứ".
Leszek Kolakowski (1927-2009), triết gia Ba Lan, một trong số ít
các triết gia của Đông Âu giành được sự thừa nhận ở đỉnh cao tri thức ở
châu Âu và thế giới, nói:
"Có vẻ như quá khứ là sở hữu của chúng ta. Nhưng trái lại -
chúng ta mới là sở hữu của nó, bởi vì chúng ta không có khả năng thay
đổi nó, ngược lại nó chứa đầy toàn bộ sự tồn tại của chúng ta".
Vì thế, có thể đừng để sức nặng của quá khứ đè lên vai, hoặc làm
chúng ta mất khôn ngoan, sáng suốt khi bước vào tương lai, nhưng quên
thì nhất định không.
Tôi tin có nhiều người giống tôi. Rằng, nếu một kẻ nào đó đã cướp
đoạt tài sản của tôi, giết hại người trong gia đình tôi, đẩy tôi vào sự
khốn cùng, phải đối diện hiểm nguy để đi tìm kế mưu sinh ở xứ khác, thì
tôi sẽ thù hận kẻ đó suốt đời, và khi có cơ hội tôi sẽ trả thù.
Sự trả thù không đồng nghĩa với việc lấy ác trả ác, nợ máu phải trả bằng máu, mà có rất nhiều cách có tình, có lý khác nhau.
Có thể tôi sẽ tạo điều kiện cho kẻ đó sám hối trong day dứt khốn
khổ của lương tâm để hoàn lương, trở về với xã hội trong một con người
lương thiện, tử tế.
Có thể tôi sẽ đưa kẻ đó ra trước công lý để xác định rõ tội ác mà y
gây ra và một nền pháp lý công bằng, dân chủ sẽ trừng phạt y theo đúng
theo các tiêu chuẩn nhân đạo.
Khi quá khứ chưa được thanh toán sòng phẳng thì luơng tâm con người rất khó thanh thản.
Tôi quan niệm rằng, không thể tha thứ cho tội phạm và tội ác giết người không bao giờ hết thời hiệu.
Tôi có thể cư xử với kẻ gây tội ác bằng thái độ hiểu biết, bao dung và văn minh, nhưng tha thứ thì tuyệt đối không.
Chính vì lẽ đó những khẩu hiệu của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN)
và của nhiều tổ chức chính trị, phong trào xã hội của người Việt rằng,
chiến tranh đã trôi qua mấy chục năm, hãy quên đi quá khứ, nhìn về tương
lai, hoà hợp hoà giải dân tộc, đoàn kết xây dựng đất nước, là sáo rỗng,
không thực tế.
ĐCSVN đã gây nhiều tội ác, hành xử tàn nhẫn với quy mô và mức độ
lớn đối với hàng trăm ngàn quân dân cán chính của thể chế Việt Nam Cộng
Hoà và dân chúng miền Nam sau 1975, làm tan nát lòng người, tạo ra hận
thù chia rẽ chồng chất, và hiện vẫn tiếp tục gây tội ác với nhân dân
trong nước.
Ở đây khoan đề cập và bàn luận về những tội ác khác trong các hồ sơ
Cải Cách Ruộng đất, Nhân văn - Giai Phẩm, Thảm sát Mậu Thân 1968 tại
Huế, và chiến dịch đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến và yêu
nước chống Trung Quốc trong giai đoạn gần đây.
Gần 40 năm chiến tranh trôi qua. Đúng thế. Nhưng kẻ cướp kia vẫn
ngông nghênh, hãnh tiến. Truớc tội ác y vẫn trâng tráo khẳng định mình
"làm đúng" và "bình tĩnh" - giống như lời của tên trung tá công an Hà
Nội Nguyễn Văn Ninh, kẻ đã dã man đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng, trong phiên toà ngày 17/7/2012 vừa qua.
Gần 40 năm chiến tranh trôi qua, đã chưa hề có một chút ăn ăn, một
lời xin lỗi nào từ phía ĐCSVN, chí ít vì sai lầm lịch sử không thể nào
chấp nhận trong đối nhân xử thế với đồng bào ruột thịt của mình!
Vậy hỏi nạn nhân làm sao có thể quên đi quá khứ?
Những ai khuyên nạn nhân quên đi lúc này nên nhanh chóng được đưa vào nhà thương điên!
Và càng trớ trêu, trơ tráo hơn khi chính tên kẻ cướp ấy kêu gọi nạn nhân quên đi quá khứ!
Phiên toà ngày 17/7/2012 không gì khác hơn là hình ảnh sắc nét thu
nhỏ của một nhà nước bất nhân, một hệ thống chính trị độc quyền đang
lũng đoạn mọi kỷ cương xã hội, mục rữa vì tham nhũng, làm kiệt quệ đất
nước từ tiềm lực đến các giá trị đạo đức, nhân văn.
Những tên quan toà không gì khác hơn là hình ảnh sắc nét thu nhỏ
của một tập đoàn cai trị ngồi xổm lên công lý và bình đẳng xã hội. Là
những đại diện tiêu biểu của hệ thống mà trong đó đám quân vô chính phủ
mặc sức tung tác, tiếp tay cho các Ác lộng hành, cái Thiện bị vùi dập.
Hãy tưởng tượng những tên quan toà này gặp cô Trịnh Kim Tiến và gia
đình của nạn nhân, vỗ vai nói thôi nhé, hãy quên đi quá khứ đau thương
để nhìn về tương lai, cùng đoàn kết xung quanh ĐCSVN xây dựng đất
nước!!!!
Làm sao có thể quên quá khứ và hoà hợp, hoà giải trong bối cảnh đầy ắp nghịch chướng và phi lý như thế!
Gần ba triệu người Việt dù buộc phải bỏ đất nước ra đi, không có
bất kỳ thù hận nhỏ nào với gần 90 triệu đồng bào trong nước. Nếu còn,
nếu có, thì phải xác định thật rõ ràng, cụ thể: họ chỉ thù hận bộ máy
cai trị của ĐCSVN.
Bởi vì hàng năm vẫn có hàng trăm ngàn người Việt từ nước ngoài trở
về thăm quê hương, hoà mình vào cuộc sống bình thường với tất cả mọi
người từ Bắc chí Nam.
Suốt mấy chục năm nay, hàng năm họ vẫn gửi về nhiều tỷ đôla giúp đỡ thân nhân, gia đình và đầu tư làm ăn tại Việt Nam.
Ngoài ra, cần nhấn mạnh thêm rằng, khẩu hiệu "hoà hợp hoà giải dân
tộc" không những bất khả thi với Việt Nam, mà với mọi dân tộc.
Trong xã hội loài người, ở đâu trên hành tinh này cũng tồn tại sự
chia rẽ, đố kị, và những đối tượng quá khích, cực đoan trong cách sống
và tư tưởng riêng của mình. Ở môi trường nào xã hội loài người cũng có
những mâu thuẫn xung khắc không thể hoà hợp hoà giải, nhưng có thể chấp
nhận tồn tại song song với nhau bằng thoả hiệp trên cơ sở của tiêu
chuẩn và nguyên tắc nào đó.
Chúng ta hay lấy người Hoa như là tấm gương để nói về sự tương trợ,
đoàn kết. Nhưng nếu đọc tác phẩm "Người Trung Quốc xấu xí" của Bá Dương
(đã được dịch giả Nguyễn Hồi Thủ chuyển sang Việt ngữ), thì người Hoa
đâu có khá gì hơn người Việt. Họ có đủ mọi tính xấu xa mà chúng ta vẫn
nói về bản thân.
Các dân tộc nhỏ trên Trung Hoa lục địa mênh mông vẫn mặc cảm bị coi
thường, phân biệt đối xử bởi thái độ ngạo mạn, kẻ cả của người Hán và
chính sách Hán hoá của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Người Đài Loan khi được hỏi "Are you Chinese?" thường trả lời "I'm from Taiwan".
Hay ở Houston (Texas, Hoa Kỳ) có hiện tượng người Đài Loan và Hongkong
không mua sắm hàng ở các siêu thị do di dân Trung Hoa lục địa làm chủ.
Mẫu hình thứ hai mà chúng ta ngộ nhận là dân tộc Do Thái. Tôi có
người bạn thân, cựu giám đốc Cơ quan Thương mại Mỹ - Ba Lan tại Warsaw.
Khi tôi khen người Do Thái đoàn kết nên nhà nước Israel mới tồn tại,
phát triển và đứng vững trong một khu vực bị bao bọc toàn các quốc gia
thù địch, đã bị ông bạn cười và nói tôi nhầm to. Ông ta giải thích người
Do Thái có rất nhiều đạo phái, chia rẽ và đố kị nhau sâu sắc. Họ chỉ
chung tay khi đất nước lâm nguy hoặc cần đến sự hỗ trợ vì lợi ích chung
của dân tộc Do Thái.
Tương tự như người Ba Lan. Czesław Miłosz (30/6/1911 - 14/8/2004),
nhà văn Ba Lan, Giải thưởng Nobel Văn học năm 1980, trong một số tác
phẩm ông đã chế nhạo người Ba Lan, lòng yêu nước và tính anh hùng dân
tộc của họ. Tuy nhiên ông vẫn được Quốc hội Ba Lan dân chủ tôn vinh (lấy
năm 2011 làm "Năm Czesław Miłosz" nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông).
Stefan Żeromski (1864-1925), một nhà văn lớn khác của Ba Lan đã viết: “Khu nhà tự thân nô lệ là Ba Lan, nơi các đảng phái sừng sộ với nhau và nền báo chí vu khống đưa ra các bản án”.
Người Ba Lan đã đoàn kết tranh đấu xoá bỏ chế độ cộng sản, nhưng
ngay sau khi Ba Lan giành được tự do đã có hơn 1000 đảng ra tranh cử vào
quốc hội dân chủ đầu tiên trong năm 1991, đến nay còn hơn 80 đảng phái
và tổ chức chính trị hoạt động, cạnh tranh gay gắt, chỉ còn thiếu đánh
nhau vỡ đầu. Nhưng đất nước Ba Lan suốt 23 năm qua ổn định, phát triển
và cuộc sống ngày mỗi thịnh vượng hơn.
Vì thế, chúng ta nên dẹp bỏ tư duy "quên đi quá khứ, nhìn về tương
lai", "hoà hợp hoà giải dân tộc" mà hướng về một mục tiêu khác: tạm (chỉ
tạm thôi) gác lại khác biệt và quá khứ, cùng xắn tay áo tạo ra một sân
chơi dân chủ, bình đẳng cho tất cả mọi người. Sân chơi này có luật
nghiêm minh và trọng tài độc lập. Mỗi phần tử trong xã hội có thể vào
sân tranh tài bình đẳng, quyết giành chiến thắng không khoan nhượng,
nhưng "fair play" trong khuôn khổ các quy tắc được mọi bên đồng thuận.
Sân chơi này chính là hệ thống chính trị dân chủ pháp trị, là xã
hội dân sự trong đó ai có nhu cầu đều có thể tham gia vào quá trình quản
lý và điều hành đất nước với điều kiện tôn trọng luật chơi của các định
chế dân chủ - là những phương tiện bền vững kiểm soát mọi hoạt động của
nhà nước, được hiến pháp bảo hộ.
Như vậy chìa khoá của toàn bộ vấn đề, cội rễ của mọi vấn đề dân
tộc, nguyên nhân của mọi bế tắc có thể giải quyết, đó là phải thay đổi
hệ thống chính trị độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, một cơ cấu maphia
gắn với chủ nghĩa tư bản thân hữu lạc hậu và vong bản hiện nay tại Việt
Nam.
Để đạt được mục tiêu này cần hai yếu tố mang tính quyết định.
Thứ nhất, nhân dân trong nuớc phải nâng khát vọng tự do và tinh
thần tranh đấu lên cấp độ quyết liệt, chấp nhận thiệt thòi, hy sinh, tạo
áp lực bão táp lên tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN.
Thứ hai, tự thân các đảng viên ĐCSVN còn có lòng yêu nước, biết đặt
lợi ích dân tộc lên trên hết. Những đảng viên này thức thời nắm bắt cơ
hội, thúc đẩy và quyết định đứng chung vào con đường xây dựng Việt Nam
theo trào lưu tiến bộ không thể đảo ngược và tránh được nguy cơ xảy ra
sự hỗn loạn và đổ máu thêm cho dân tộc vốn đã bị quá nhiều tổn thất sinh
mạng qua các cuộc chiến tranh. Từ đây tạo ra một cuộc chuyển hoá, nhưng
phải lột xác thực sự để thay đổi ý thức hệ tư tưởng, đoạn tuyệt dứt
khoát với ý thức hệ cộng sản và trang bị cho lực lượng của mình một vũ
khí tư tưởng dân chủ văn minh, cạnh tranh lành mạnh với lực lượng khác
trong cộng đồng dân tộc.
Thông qua bầu cử tự do, thậm chí ĐCSVN lúc ấy với bộ mặt mới, giành
được đa số phiếu ủng hộ của nhân dân thì vẫn tiếp tục cầm quyền. Luật
chơi dân chủ là vậy. Điều này đã và đang diễn ra bình thường tại các
nước cựu cộng sản Đông Âu.
Lộ trình này cũng đã được lịch sử trải nghiệm và chứng minh tính
khả thi và thực tiễn ở nhiều quốc gia. Miến Điện là bài học nhãn tiền.
Sự ủng hộ cuộc tranh đấu dân chủ trong nước của cộng đồng người
Việt ở nước ngoài hay sự hỗ trợ, thậm chí can thiệp của cộng đồng các
quốc gia dân chủ trên thế giới cũng quan trọng, nhưng không mang tính
quyết định như hai yếu tố đã nêu.
Chưa có hai yếu tố quyết định trên đây, chúng ta sẽ tiếp tục sống trong tình trạng của một "xã
hội mà cái ác, cái xấu đang hoành hoành và chưa có biểu hiện dừng lại,
bởi vì những người trong bộ máy công quyền dường như không cố gắng để
làm người mà quyết sống trọn đời, trọn kiếp làm dã thú" - nhà văn Phạm Thành đã "ghê rợn" thốt lên như thế sau phiên toà phúc thẩm ngày 17/7 tại Hà Nội đã nói tới.
Ngày 18/7/2011
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog
No comments:
Post a Comment