Trung Quốc: Thanh trừng đáng lo trong Tử Cấm Thành
Trung Quốc kết án Chu Vĩnh Khang, Trung Quốc chủ ngân hàng mới của thế giới, vì sao hai hệ phái Hồi giáo Shia và Sunni lại xâu xé lẫn nhau, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến ruộng nho của Pháp, và 200 năm trận chiến lịch sử Waterloo, là những chủ đề thời sự chính được các báo Pháp cuối tuần 13/06/2015 đề cập đến.
“Bắc Kinh dàn dựng cảnh hạ bệ Chu Vĩnh Khang” là hàng tựa của nhật báo Le Monde về vụ xử cựu lãnh đạo an ninh Trung Quốc. Vụ xử diễn ra bí mật chứng tỏ cho thấy kịch tính của cuộc đấu đá nội bộ tại Trung Quốc và khẳng định quyền lực ngày càng được củng cố của Tập Cận Bình là những nhận xét chính của nhật báo.
Le Monde nhắc lại, hồi tháng Ba năm nay, Tòa án Tối cao Trung Quốc hứa hẹn là vụ xử sẽ được tiến hành công khai. Nhưng trên thực tế, cựu lãnh đạo ngành công an, tư pháp và dọ thám của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này đã bị đem ra xét xử bí mật vào ngày 22/05. Bản án đã được ra ngày thứ Năm 11/06, tại tòa án Thiên Tân.
Vì sao có sự thất hứa đó? Theo giải thích của ông Trương Hi Trạch (Joseph Chang), giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Hồng Kông, “các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn rằng ông Chu phải nhận tội và tránh tấn công họ hay tiết lộ các chi tiết làm vấy bẩn danh tiếng của họ. Giả như điều đó có thể thực hiện được trong phiên xử công khai thì họ đã làm rồi. Nhưng dường như chỉ có xử kín mới cho phép họ đạt được điều họ muốn”.
Trên thực tế, tội tiết lộ “bí mật quốc gia” cũng chỉ lãnh có 4 năm tù, thay cho 7 năm tù vì tội “lạm dụng quyền lực” và chung thân “tội tham nhũng”. Đối với nhiều chuyên gia về hệ thống chính trị Trung Quốc, kịch bản tham nhũng đối với Chu Vĩnh Khang là quá lộ liễu.
Ông Nicolas Becquelin, Giám đốc Đông Á của tổ chức Ân Xá Quốc tế Amnesty International, phân tích: “Đưong nhiên từ nhiều năm nay có nhiều đồn thổi dai dẳng về mức độ tham nhũng trong lãnh vực dầu khí, mà ông Chu Vĩnh Khang từng là lãnh đạo. Do đó rõ ràng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, ông ta là con hổ tế thần. Nhưng phiên xử đó chỉ là một sự dàn dựng nhằm đưa ra một sự giải thích chính thức với các đảng viên và công chúng để chứng minh cho quyết định chính trị vô hiệu hóa Chu Vĩnh Khang được đưa ra từ trên và nhằm hủy hoại sự nghiệp chính trị cũng như tầm ảnh hưởng của ông này. Và quyết định được đưa ra khi các nhà điều tra bắt đầu có đầy đủ chứng cớ về sự phạm tội khi bắt giữ các tay chân thân tín của ông”.
Cũng theo ông Nicolas Becquelin, thì có hai giả thuyết để giải thích cho quyết định vô hiệu hóa Chu Vĩnh Khang. “Thứ nhất là vì ông này là đồng minh của Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh, bị kết án chung thân năm 2013, trong một chiến dịch nhằm tranh một chiếc ghế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, thậm chí hất cẳng Tập Cận Bình. Giả thuyết thứ hai, bộ máy an ninh mà Chu Vĩnh Khang thiết lập đã trở thành một dạng Nhà nước trong một Nhà nước. Đối với Tập Cận Bình, người nghĩ rằng duy chỉ có tập trung hết quyền lực trong tay ông mới là phương cách duy nhất để cải tổ đất nước, bộ máy an ninh này là một đối trọng quyền lực quan trọng. Người ta nhận thấy là kể từ đó, lãnh đạo ngành an ninh không có chân trong Ban Thường vụ nữa”.
Một quan điểm cũng được giáo sư Trương Hi Trạch đồng chia sẻ. Theo ông, “điều hiển nhiên là lãnh đạo Trung Quốc thích kết tội tham nhũng hơn là phơi bày sự việc như là một sự tấn công chống lại Đảng. Nếu người ta nói về đối đầu với Tập Cận Bình, điều đó làm dấy lên nhiều kiểu nghi vấn, mà chế độ không muốn thấy đặt ra, theo kiểu như ai muốn lãnh đạo đất nước? Nếu như hai ông Bạc và Chu liên kết với nhau, họ đã thành lập tổ chức nào để ủng hộ?” Ông Trương kết luận: Do đó, điều hợp lý nhất là kết tội Chu Vĩnh Khang tham nhũng.
Vụ thanh trừng đáng lo trong Tử Cấm Thành
Thế nhưng, đối với báo Le Monde, đây lại là một “Vụ thanh trừng đáng lo trong Tử Cấm Thành”, tựa của bài xã luận. Trước mắt, vụ xử này là một thắng lợi lớn đối với ông Tập Cận Bình. Ông đã loại trừ hết tất cả các đối thủ, ngay cả trong quân đội. Và bây giờ Chủ tịch Tập đang dần đưa người của mình vào những vị trí quan trọng, chuẩn bị cho kỳ đại hội sắp tới năm 2017. Thời điểm ông sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm thứ hai. Kể từ thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, chưa có một nhà lãnh đạo Trung Quốc nào nắm trong tay nhiều quyền lực như vậy. Đến mức phải lo ngại.
Thế nhưng, về dài lâu, chiến lược của ông có thể chứa nhiều bất ổn. Sau nhiều năm hỗn loạn do cuộc Cách mạng Văn hóa, Đặng Tiểu Bình đã thiết lập một ban lãnh đạo theo nguyên tắc tập thể và đồng thuận. Cũng như hàng triệu người Trung Quốc, ông đã chịu đựng quá nhiều về quyền lực tuyệt đối của Mao Trạch Đông, sự thái quá và những sai lầm của ông ấy, những gì đã dẫn đất nước đến bờ thảm họa. Số phận của đảng Cộng sản Trung Quốc không thể nào nằm trong tay một người duy nhất.
Chính vì thế mà việc ông Tập Cận Bình ngày càng củng cố quyền lực những tháng gần đây chỉ có thể làm dấy lên nhiều câu hỏi. Nhất là khi chiến dịch chống tham nhũng lại do một cơ chế trong nội bộ đảng tiến hành trong sự mập mờ và không có đối trọng quyền lực độc lập. Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất, ông Tập Cận Bình đã phá vỡ một điều cấm kỵ: Không bao giờ được tấn công vào một cựu thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, bộ máy điều hành thật sự của Đảng và Nhà nước. Với việc kết án Chu Vĩnh Khang, kể từ giờ không một thành viên nào trong bộ máy lãnh đạo, sẽ tránh được. Kể cả nhân vật số một hiện nay, tờ báo kết luận.
Trung Quốc: Chủ ngân hàng mới của thế giới
Về thời sự Châu Á, tuần san Courrier International trên mục kinh tế quan tâm đến Ngân hàng Đầu tư Hạ Tầng do Trung Quốc đề xướng. Bất chấp lời can ngăn của Hoa Kỳ, nhiều đồng minh của nước này vẫn tham gia thành lập ngân hàng. Nhiều tiếng nói nghi ngờ khả năng điều hành của Trung Quốc, cho rằng quốc gia này sẽ chấp thuận cấp tín dụng cho các nhà lãnh đạo độc tài, tàn phá môi trường và phớt lờ vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Financial Times tại Luân Đôn, Bắc Kinh có thể gây bất ngờ cho những ai phản đối và có thể sẽ làm tốt hơn. Courrier International lược dịch lại bài của tờ báo này qua hàng tựa "Trung Quốc, ông chủ tài kinh mới của thế giới".
Thứ nhất, theo quan điểm của tờ báo Anh quốc, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á Châu (AIIB) do Trung Quốc chủ xướng sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm, nhờ vào nguồn vốn khởi điểm là 100 tỷ đô la, cao gấp đôi so với mức dự kiến. Điều đó cho phép AIIB có thể cạnh tranh mạnh với Ngân hàng Phát triển Á Châu do Nhật Bản điều hành, ra đời cách đây gần 50 năm với nguồn vốn ban đầu là 150 tỷ đô la.
Trung Quốc sẽ có phần đóng góp lớn nhất, rất có thể là gần 25%, tiếp đến là Ấn Độ, rồi Nga, Đức, Úc và Indonesia, những quốc gia đóng góp nhiều nhất. Tổng cộng 75% vốn và đương nhiên quyền biểu quyết rất có thể sẽ thuộc về các quốc gia Châu Á. Theo những dấu hiện đầu tiên, Trung Quốc sẽ không có quyền phủ quyết. Và AIIB sẽ đặt trụ sở chính tại Bắc Kinh. Hội đồng quản trị sẽ họp thường xuyên tại thủ đô Trung Quốc và qua phương tiện vidéo hội nghị.
Đương nhiên có nhiều người quan ngại rằng AIIB có thể sẽ bị đặt dưới một sự giám sát ít nghiêm ngặt hơn so với các định chế tài chính lớn hiện nay. Các quản trị viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank), làm việc tại trụ sở ở Washington, là những người thông qua các khoản cho vay. Thế nhưng, theo nhận định của tờ báo Anh, hệ thống điều hành các định chế tài chính thế giới hiện nay quá cồng kềnh và dè dặt. Ngân hàng Thế giới trở nên quá chậm chạp và chần chừ, đến mức nhiều quốc gia không còn hứng thú xin tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Theo phân tích của Financial Times, đương nhiên vị Chủ tịch đầu tiên của ngân hàng mới này sẽ phải là người của Bắc Kinh, nhưng do mời nhiều nước tham gia, Trung Quốc có thể sẽ phải từ bỏ ý tưởng sử dụng AIIB đơn thuần như là một công cụ phục vụ chính sách ngoại giao của mình. Thậm chí Bắc Kinh có thể phải lấy làm hối tiếc về sự đầu tư này.
Nhìn chung, trong một chiều hướng nào đó, ngân hàng của Trung Quốc đã có bước khởi động tốt. Một « cuộc chiến hạ tầng » cũng đã bắt đầu. Ngân hàng Phát triển Á Châu cũng đã làm một số trò « ảo thuật kế toán », để nâng tổng số vốn cho vay. Tổ chức này cũng sẽ phải tiến hành một số đổi mới về quy trình chấp thuận cấp tín dụng để cạnh tranh với quy trình chấp thuận tín dụng nhanh chóng mà AIIB cam kết.
Hàn Quốc : Người già cô đơn vì tăng trưởng kinh tế
Nhìn sang Hàn Quốc, tờ Libération thông báo đài truyền hình Arte Pháp – Đức tối nay phát một phóng sự đề tựa « Khi người già tự tử » nói về tình trạng người già tại Hàn Quốc đang trở thành vật hy sinh cho sự tăng trưởng kinh tế.
Trên những hình ảnh của một camera giám sát, một người đàn ông bước đi dứt khoát, tay trong túi, xiêu vẹo bước lên thành cầu và rồi biến mất trong lỗ trống. Trong sự lạnh lùng. Mỗi ngày như thế, có khoảng 50 người Hàn Quốc tự tử, và phần đông là những người lớn tuổi.
Chiếc camera của một vị mục sư lặng lẽ quay lại những mảng đời trong một khu phố nhạy cảm tại Seoul, nơi cư trú của nhiều người già cô đơn. Bà Kim Sun, 76 tuổi, khi ra phố rất thanh lịch trong chiếc áo măng-tô màu đỏ, nhưng lại sống lay lất trong một căn phòng chật hẹp 7m² với 300 euro tiền trợ cấp xã hội. Bà tự cấm mình liên hệ với con cái, do điều luật quy định mọi nguồn trợ cấp sẽ bị cắt nếu như có hỗ trợ từ gia đình. Bà nói : « Tôi thật là cô đơn. Để có thể trụ được, tôi đã phải phạm một số tội ».
Những hình ảnh chắc chắn gây xúc động. Đó cũng là một cái giá mà xã hội Hàn Quốc ngày nay đang phải trả cho việc hy sinh các giá trị truyền thống và tình liên đới cho sự tăng trưởng kinh tế, đến mức Libération buộc phải ta thán rằng « Hàn Quốc, nước cộng hòa của nạn tự tử ».
Shia-Sunni : Cuộc chiến dai dẳng không hồi kết
« Shia – Sunni : Vì sao đạo Hồi xâu xé lẫn nhau ? » là câu hỏi lớn trên trang nhất tuần san L’Obs. Tờ báo dành 11 trang để giải thích rõ cho độc giả hiểu vì sao xung đột cứ dai dẳng giữa hai hệ phái Shia và Sunni, từ thời nhà tiên tri Mohamed cho đến lúc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh ra đời.
Cũng như Tin lành và Thiên Chúa giáo vào thế kỷ XVI, hai hệ phái Shia và Sunni sâu xé lẫn nhau. Điểm lại các sự việc gần đây, từ việc Daesh giết hại hơn 1700 binh sĩ Irak, phần đông theo hệ phái Shia, rồi đến việc lực lượng dân quân Shia do Iran yểm trợ tái chiếm cứ địa Tikrit hệ phái Sunni từ tay quân thánh chiến hay như việc Qatar kêu gọi xua đuổi những người theo hệ phái Alawit và nhà độc tài Bachar al-Assad, một nhánh của hệ phái Shia,…tất cả đều có chung một điểm duy nhất đó là cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa hai dòng Hồi giáo Shia và Sunni.
Bởi lẽ, « Nhất Đấng Tối cao, mà Đa dòng hệ ». Cộng đồng Hồi giáo trên thế giới có đến 1,5 tỷ tín đồ, nhưng được chia thành ba hệ phái : Sunni, chiếm đa số, gần như 85% ; Shia từ 10-15% và phần còn lại là những hệ phái nhỏ như Khawarij, Mozabite và Ibadi. Rồi ba dòng hệ đó lại còn chia nhỏ ra nữa thành nhiều trường phái, nhánh hay hội đoàn khác nhau. Và bên nào cũng tự cho mình là « chính thống ».
Theo tuần san, sự chia rẽ khởi đầu sau khi nhà tiên tri Mohamed qua đời năm 632. Ông ra đi chỉ để lại một thông điệp, nhưng không có di chúc, lẫn con trai nối dõi. Và mọi sự bất hạnh cũng bắt nguồn từ đây. Cuộc chiến giành quyền lãnh đạo tàn khốc kéo dài hàng mấy chục thế kỷ nay cho đến tận bây giờ vẫn còn tiếp diễn, như những gì thế giới đang tận mắt chứng kiến tại Irak, Syria và tại Yemen.
Khí hậu ấm dần : Rượu vang Pháp chao đảo
Nhìn sang nước Pháp, tình trạng khí hậu ấm dần bắt đầu có những tác động lên lãnh vực nông nghiệp. Tại nước Pháp, quốc gia sản xuất rượu vang hàng đầu thế giới, buộc phải xem xét lại phương thức sản xuất, có nguy cơ làm biến đổi hương vị của rượu. Le Figaro nhận định : « Biến đổi khí hậu làm chao đảo ruộng nho Pháp ».
Theo nhật báo, « ngành trồng nho tại Pháp phải thích nghi với hiện tượng khí hậu ấm dần ». Theo các nhà khoa học, nhiệt độ gia tăng đang làm cho chu kỳ trồng nho bị xê dịch, nho ngày càng ra trái sớm hơn. Nho sẽ bị chín sớm hơn trong gian đoạn thời tiết nóng bức, đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối của trái nho. Nghĩa là nho sẽ ngày càng bị ngọt hơn, điều đó sẽ dẫn đến nồng độ alcool cao hơn. Trái nho sẽ mất đi tính chua và như vậy rượu sẽ không còn vị mát khi nếm thử. Thêm vào đó, trái nho không đủ độ chín cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc, khả năng cất giữ và mùi vị của rượu. Những thay đổi có thể làm biến chất hoàn toàn rượu vang như là Bordeaux chẳng hạn.
Trong viễn cảnh đó, nhiều nghiên cứu đang được tiến hành về cách cấy ghép cây nâng chiều cao của thân cây nho để tránh cho các chùm nho phải chịu nhiều sức nóng tỏa ra từ nền đất, hay di dời ruộng nho lên những vùng cao mát hơn, hoặc áp dụng phương pháp nhân bản (clone) các giống cây có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu. Câu hỏi đặt ra liệu những việc đó có làm biến đổi hương vị của rượu hay không ? Phải ít nhất là 10 năm nữa để có thể rút ra được những kết luận đầu tiên.
No comments:
Post a Comment