VN ‘hoan nghênh’ Mỹ vì nỗ lực ở Biển Đông
- 14 tháng 5 2015
Bộ Ngoại giao Việt Nam hoan nghênh phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ về “Bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Hôm 13/5, hai quan chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ đã nói về động thái bồi đắp, lấn biển của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bình luận về việc này, người phát ngôn Việt Nam Lê Hải Bình hôm 14/5 nói: “Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong đó có Hoa Kỳ trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đặc biệt là ủng hộ vai trò của ASEAN, tuân thủ DOC và những nỗ lực nhằm sớm đạt được COC.”
Ông David Shear, từng là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và nay là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Phụ trách An ninh Châu Á và Thái Bình Dương, đã điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 13/5.
Một phần chính trong buổi điều trần là bình luận của ông David Shear về hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây.
Ông cho biết trong hai thập niên qua, ngoại trừ Brunei, tất cả các nước có tranh chấp đều xây tiền đồn ở Biển Đông để khẳng định chủ quyền.
Theo tính toán của Mỹ, ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam có 48 tiền đồn; Philippines 8; Trung Quốc 8; Malaysia 5 và ĐàiLOAN 1.
“Tất cả các nước tranh chấp đều có hoạt động xây dựng theo từng mức độ,” ông David Shear nói.
Theo ông, từ 2009 đến 2014, Việt Nam “là nước hoạt động mạnh nhất cả trong việc nâng cấp tiền đồn và bồi đắp, lấn ra biển khoảng 60 mẫu”.
“Toàn bộ các nước, ngoại trừ Trung Quốc và Brunei, cũng đã xây đường băng, kích cỡ khác nhau” ở Trường Sa.
Hoạt động của Trung Quốc.
Tuy vậy, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói hoạt động tôn tạo, bồi đắp gần đây của Trung Quốc “vượt xa” các nước khác.
Mỹ ước tính từ năm 2014, Trung Quốc đã lấn ra biển 2.000 mẫu.
Kết hợp với các động thái như yêu sách “đường chín đoạn”, hành xử của Trung Quốc gây lo ngại nước này đang tìm cách xác lập kiểm soát vùng tranh chấp trên thực tế, theo ông David Shear.
"Việc bồi đắp, lấn biển của Trung Quốc có thể có nhiều ngụ ý quân sự, nếu Trung Quốc muốn theo đuổi. Trong đó có khả năng phát triển hệ thống radar tầm xa và máy bay do thám tình báo. Tàu có mớn nước sâu hơn, và phát triển sân đỗ khẩn cấp cho tàu sân bay."
"Những hành động này có thể khiến chính phủ trong khu vực củng cố khả năng quân sự ở các tiền đồn của họ, tăng nguy cơ tính toán sai lầm, khủng hoảng và chạy đua vũ trang."
Cũng tại buổi điều trần, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel, nói Hoa Kỳ có lợi ích để cần phải bảo đảm tranh chấp được giữ trong hòa bình.
"Căng thẳng gia tăng trong vài năm gần đây. Một vụ nghiêm trọng không chỉ có thể gây nên chu kỳ leo thang nguy hiểm mà nỗ lực phát triển ổn định dựa trên các nguyên tắc căn bản cũng bị thách thức bởi hành vi cưỡng ép."
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói Mỹ nhấn mạnh để các vấn đề biển đảo “ở đầu nghị trình trong diễn đàn đa phương khu vực”.
“Chúng ta nêu bật hành vi có vấn đề như bồi đắp, lấn biển, để hành vi gây bất ổn được phơi bày và giải quyết.”
Ông Daniel Russel nói thêm: “Chúng ta bảo vệ quyền giải quyết tranh chấp theo luật pháp.”
“Chúng ta thiếp lập quan hệ đối tác với các nước vùng biển Đông Nam Á…và phối hợp với các đồng minh như Nhật, Úc để tối ưu ảnh hưởng trợ giúp và ngoại giao của chúng ta.”
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Thôi Thiên Khải, phản ứng rằng Mỹ có “tiêu chuẩn kép” khi chỉ trích Bắc Kinh.
Ông Thôi nói một số nước cũng bồi đắp, tôn tạo nhưng không bị Hoa Kỳ chỉ trích.
“Ai đang gây ra căng thẳng ở Nam Hải? Trong mấy năm qua, Hoa Kỳ đã can thiệp lộ liễu,” ông Thôi nói.
Cuối tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Bắc Kinh, chuẩn bị cho Đối thoại Kinh tế và Chiến lược tháng Sáu và cho chuyến thăm Mỹ dự kiến của ông Tập Cận Bình trong năm nay.
Tuy vậy, dường như căng thẳng trên biển sẽ chiếm phần quan trọng trong nghị trình chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ.
No comments:
Post a Comment