Tuesday, May 12, 2015

hạn hán
Gia Minh, biên tập viên RFA2015-05-12

Sông Hồng ở Hà nội thời hạn hán tháng 4 năm 2007Sông Hồng ở Hà nội thời hạn hán tháng 4 năm 2007 AFP
Thiếu nước, hạn hán hiện đang rất gay gắt thậm chí trầm trọng tại nhiều nơi ở Việt Nam và cả trên thế giới.
Thực tế và biện pháp đối phó ra sao?
Thực trạng Việt Nam
Dak Lak đang trải qua đợt hạn hán khốc liệt nhất trong chục năm qua. Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn tỉnh Dak Lak họp báo vào chiều ngày 5 tháng 5 và cho biết tính đến ngày trước khi diễn ra phiên họp báo toàn tỉnh này có hơn 50 ngàn héc ta cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước tưới.
Thống kê được đưa ra nêu rõ ở Dak Lak có 200 công trình thủy lợi không còn khả năng hoạt động. 176 hồ chứa bị khô cạn, 21 đập dâng không còn dòng chảy và 3 trạm bơm không còn nguồn nước để chạy máy. Dung tích của các hồ chứa vừa và lớn chỉ còn chừng từ 10 đến 20%.
Trong khi đó có chừng 20 ngàn dân ở các huyện Krong Bong, Ea Kar thiếu nước sinh hoạt. Tổng thiệt hại do hạn hán được cơ quan chức năng tỉnh Dak Lak tổng kết lên đến chừng 1600 tỉ đồng tính đến ngày họp báo vào đầu tháng 5 như vừa nêu.
Trước đó ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận vào trung tuần tháng tư vừa qua được cho biết là nơi khó khăn nhất về nước trong đợt hạn hán vừa qua tại tỉnh Ninh Thuận nói riêng và ở nhiều nơi tại Việt Nam nói chung.
Đích thân thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phải đến tại kiểm tra công tác chống hạn tại hai huyện Bác Ái và Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận.
Một người dân tại Bình Thuận gần Ninh Thuận sơ lược về tình trạng hạn hán ở khu vực và này sinh sống:
“Đều trời hết, thanh long khô héo; nghe nói tỉnh cũng có biện pháp đưa nước về…”
Ngay tại Hà Nội, dự báo của Công ty Nước sạch ở thủ đô cũng có cảnh báo trong mùa hè năm nay sẽ có thiếu nước cục bộ ở những khu vực nằm cuối nguồn hay có cốt địa hình cao.
Căn cứ để đưa ra dự báo là sẽ có những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nguồn nước ngầm suy giảm và nguồn nước mặt Sông Đà không đủ để cung cấp cả về áp lực và lưu lượng.
Một số bạn em kêu trời lên, phải đi lánh sang nhà khác vì mất nước. Hôm nay em mới đọc được trên trang của trường với yêu cầu của Hội Sinh Viên là phải tiết kiệm nước
Một bạn trẻ ở Hà Nội
>
Một bạn trẻ ở Hà Nội cho biết:
“Một số bạn em kêu trời lên, phải đi lánh sang nhà khác vì mất nước. Hôm nay em mới đọc được trên trang của trường với yêu cầu của Hội Sinh Viên là phải tiết kiệm nước.”
Tại đảo Lý Sơn, tình trạng hạn hán cũng khiến người dân trên đảo khát nước sạch để dùng. Có gia đình phải bỏ ra từ 30 đến 50 triệu đào giếng; nhưng có giếng đào xuống đến 15-20 mét mà vẫn chưa có nước nên phải lấp lại.
Ông Lê Đức Năm, tổng thư ký Hội Tưới Tiêu Việt Nam, từ Hà Nội đưa ra đánh giá về tình hình khô hạn năm nay ở các vùng của Việt Nam:
“ Ở miền Trung năm nay lượng mưa cả năm chỉ bằng từ 50 đến 70% so với hằng năm thôi. Ngay cả những chỗ tương đối nhiều nước cũng vẫn thiếu nước. Ở miền Trung và Tây Nguyên hiện nay các hồ chứa hầu như đã cạn, rất khó khăn. Tây Nguyên bây giờ mới bắt đầu chuẩn bị vào mùa mưa, còn các tỉnh ở dải miền Trung phải đến tháng 8 mới có mưa nên hạn hán tương đối gay gắt.
Ở Đồng bằng Sông Cửu Long cũng do biến động của thời tiết và do những nước ở thượng lưu, người ta xây những hồ thủy điện nên dù nước tương đối nhưng do điều tiết, lúc xả, lúc không khiến xâm nhập mặn vào sâu. Do đó vấn đề nguồn nước đối với Đồng bằng Sông Cửu Long cũng là một vấn đề mà đài, báo cũng đã đưa ra vấn đề này.”
Nạn thiếu nước đáng chú ý trên thế giới
Tình trạng hạn hán không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà bang California vừa qua cũng phải lên tiếng vì mức độ khô hạn mà bang này đang và sẽ phải chịu trong mùa hè năm nay.
Hạn hán vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long năm 2010
Hạn hán vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long năm 2010. AFP
Theo qui định được chính thống đốc bang đưa ra và có hiệu lực từ đầu tháng tư vừa qua thì tỷ lệ sử dụng nước phải giảm là 25%. Đây là năm thứ tư liên tiếp bang này gặp cảnh khô hạn trầm trọng nhất trong lịch sử từ xưa đến nay.
Ở miền Trung năm nay lượng mưa cả năm chỉ bằng từ 50 đến 70% so với hằng năm thôi. Ngay cả những chỗ tương đối nhiều nước cũng vẫn thiếu nước. Ở miền Trung và Tây Nguyên hiện nay các hồ chứa hầu như đã cạn, rất khó khăn
Ông Lê Đức Năm
Thống đốc Jerry Brown bang California cảnh báo rằng tình trạng đang xảy ra ở bang California cũng sẽ diễn ra tại những vùng khác trên thế giới. Ông này cho rằng biến đổi khí hậu không phải là ‘tin vịt’ nữa mà như bang California đang phải đối phó và thực sự biến đổi khí hậu đang rất nghiêm trọng.
Tin cho biết một số vùng tây và tây nam của nước Mỹ cũng đang xảy ra hạn hán trầm trọng, đặc biệt như ở Texas và Oklahoma. Ở các nơi khác như Brazil cũng chịu cảnh thiếu nước.
Hoa lục là nơi cũng đang phải chật vật đối phó với nạn khan hiếm nước ngoạt và hạn hán. Tổ chức phi chính phủ có tên China Water Risk,  trụ sở tại Hong Kong vào tháng tư vừa qua đưa ra nhận định rằng việc sử dụng năng lượng của Trung Quốc không chỉ gây tác động đến khí hậu toàn cầu mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước ở Châu Á.
Đánh giá nói rằng ngành nông nghiệp của Trung Quốc sử dụng từ 65 đến 70% nguồn nước ; tuy vậy do hệ thống thủy lợi không hiệu quả gây ra thất thoát nước rất lớn.
Hiện vẫn còn tranh cãi có phải do Trái Đất bị ấm nóng lên đã trực tiếp gây ra điều kiện hạn hán hay không; tuy vậy hầu hết các chuyên gia đều đồng ý là ấm nóng toàn cầu làm trầm trọng thêm vấn đề hạn hán. Thực tế kỷ lục ít mưa , nắng nóng và ít tuyết tại California khiến cho tình trạng thêm tồi tệ.
Một yếu tố khác được nói dẫn đến khủng hoảng nước như hiện nay khắp nơi trên thế giới là việc sử dụng quá mức nguồn nước ngầm trong lòng đất.
Thế rồi tình trạng nước ngầm bị ô nhiễm do dùng nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu cũng khiến cho nước uống khan hiếm đi.
Truyền thông Trung Quốc vào năm ngoáiLOAN tin là có đến 60% nguồn nước ngầm và hơn phân nửa những hồ nước ngọt tại Hoa Lục đã bị ô nhiễm.
Hiện vẫn còn tranh cãi có phải do Trái Đất bị ấm nóng lên đã trực tiếp gây ra điều kiện hạn hán hay không; tuy vậy hầu hết các chuyên gia đều đồng ý là ấm nóng toàn cầu làm trầm trọng thêm vấn đề hạn hán. Thực tế kỷ lục ít mưa , nắng nóng và ít tuyết tại California khiến cho tình trạng thêm tồi tệ
Cách thức đối phó
Trước tình trạng khan hiếm nước tại tỉnh Ninh Thuận, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi đến thăm nơi đó hồi trung tuần tháng tư vừa qua đưa ra lời hứa sẽ có những quyết định cụ thể trong đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi và các hồ, đập chứa nước.
Chính phủ Việt Nam cũng ban hành nghị định về việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Mục tiêu được nói nhằm bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước…
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội được Công ty Nước Sạch Thành phố đề nghị chỉ đạo Tổng Công ty Vinaconex, Công ty Viwasupco đẩy nhanh tiến độ dự án thi công tuyến ống nước Sông Đà số 2 và Dự án nâng công suất Nhà máy nước Sông Đà giai đoạn 2. Dự án này có công suất 300 ngàn mét khối nước mỗi ngày/đêm.
Ông Lê Đức Năm cho biết những kế hoạch của cơ quan chức năng Việt Nam trong việc cung ứng nguồn nước cho sinh hoạt người dân cũng như cho sản xuất nông nghiệp như sau:
“ Giải pháp là như thế này: đối với những hồ ở duyên hải nam trung bộ, nhất là Ninh Thuận, Bình Thuận do có việc tiếp nước hồ thủy điện từ các sông như Đồng Nai, Sê San, Sê rê pốc với hệ thống tiếp nước xuống thì phải chuyển nước sang. Thứ hai, theo Luật Tài Nguyên Nước của Việt Nam thì vấn đề giải quyết nước cho dân phải ưu tiên hàng đầu. Rồi có những biện pháp như đào giếng, chuyển nước- tức mang nước từ nơi khác đến cho dân sinh sống.
Ngay từ đầu khi mùa mưa kết thúc, những cơ quan nông nghiệp tại những vùng thiếu nước ở duyên hải miền Trung đã có cảnh báo và yêu cầu dân không nên sản xuất tại những nơi sẽ thiếu nước.
Đối với Đồng bằng Sông Cửu Long, dự báo mặn đến đâu và cũng cảnh báo cho dân không nên sản xuất ở những nơi bấp bênh. Những nơi cần phải chuyển đổi canh tác ví dụ như ở vùng bấp bênh, bị mặn năng suất không cao thì nên nuôi trồng thủy sản. Đó là biện pháp mà cơ quan ngành thủy lợi đã thực hiện để phòng chống. Cũng do thiên nhiên nên chính phủ vào đưa ra những biện pháp giải quyết trước mắt cũng như lâu dài. Trước mắt phải bảo đảm nước sinh hoạt cho dân và cho những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Sau đó đầu tư cho những giải pháp thủy lợi để làm thế nào tích trữ được nhiều nước hơn và tìm ra được những giải pháp ví dụ trồng cây ít sử dụng nước, hay nâng cao giải pháp khoa học- kỹ thuật không phải tưới…”
Tại nhiều nơi trên thế giới ngoài việc kêu gọi và theo dõi, chế tài việc tiết kiệm nước, một số quốc gia tiếp tục triển khai biện pháp biến nước mặn thành nước ngọt; tuy nhiên đây là một công nghệ tốn kém và các nhà môi trường quan ngại khi thực hiện chuyển nước biển ra nước ngọt như thế sẽ có thể dẫn đến những tác hại môi trường hải dương.
Tái chế nước cũng là một giải pháp cho tình trạng khan hiếm nước. Nước tái chế có thể dùng để tưới cây, bù lại cho nguồn nước ngầm và cũng có thể xử lý thành nước uống.
Quỹ của hai vợ chồng nhà Bill Gates- Bill & Melinda Gates- tài trợ cho chương trình ‘Omniprocessor’- nhà máy xử lý có thể biến nước thải thành nước sạch. Mục tiêu cung cấp nước uống cho hằng ngàn người tại các nước đang phát triển.
Chính quyền Trung Quốc hiện cũng thấy được vấn đề khan hiếm nước ngọt đang trở thành mối nguy hàng đầu mà nếu không giải quyết sẽ gây nên mất an ninh năng lượng và lương thực tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Vào năm 2011, chính quyền Bắc Kinh đề ra chính sách giới hạn chặt chẽ việc sử dụng lượng nước và Luật Môi trường bắt đầu có hiệu lực trong năm nay của Trung Quốc cũng qui định phạt nặng những tác nhân gây ô nhiễm cho môi trường và cho nguồn nước.
Bắc Kinh có dự án chuyển nguồn nước được nói là tham vọng nhất thế giới với khoản kinh phí hơn 80 tỷ đô la. Giai đoạn chính của dự án chuyển nước nam- bắc được bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái. Nước được chuyển lên thủ đô Bắc Kinh qua các kênh và ống dẫn nước có chiều dài tổng cộng hơn 1200 kilomet.
Giới chuyên gia lại cho rằng biện pháp như thế cũng không thể nào bắt kịp nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng tại Hoa Lục. Còn theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences vào tháng giêng vừa qua đưa ra cảnh báo là dự án chuyển nước trên diện rộng như vậy chỉ là trầm trọng thêm vấn nạn thiếu nước về lâu về dài mà thôi.
Chiến lược quản trị nước của Bắc Kinh cũng bị chỉ trích chồng chéo giữa các bộ ngành với nhau, cũng như tình trạng tham những và nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế chứ không để ý gì đến biện pháp sử dụng nguồn tài nguyên một cách bền vững.
Tại đảo quốc Đài Loan, chính quyền Đài Bắc cũng phải cho áp dụng biện pháp cấp phát nước theo tiêu chuẩn tại thành phố Cao Hùng. Đây là nơi mà lượng mưa vừa qua xuống mức thấp kỷ lục trong gần 70 năm qua.
Từ ngày 4 tháng 5 vừa qua các hộ dân và doanh nghiệp tại Cao Hùng mỗi tuần bị cắt nước hai lần. Kể từ cuối tháng ba vừa rồi, cơ quan chức năng ở thành phố này còn cho đóng cửa 12 hồ bơi trong thành phố.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây; hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

No comments:

Post a Comment