Tin tức / Hoa Kỳ
Mỹ, Nhật loan báo qui định mới về hợp tác quốc phòng
Tổng thống Mỹ Barack Obama tổ chức buổi lễ đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trên sân cỏ phía Nam Tòa Bạch Ốc, ngày 28/4/2015.
28.04.2015
Hoa Kỳ và Nhật Bản dự trù nới rộng sự hợp tác quốc phòng dựa trên những qui định mới, trong đó có việc cho phép Tokyo sử dụng vũ lực trên qui mô toàn cầu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của liên minh Mỹ-Nhật, Tokyo được phép làm như vậy. Thông tín viên Jeff Seldin của đài VOA tường thuật.
Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter của Mỹ đã gặp các vị tương nhiệm phía Nhật Bản tại New York hôm thứ hai trước khi loan báo văn kiện hướng dẫn được cập nhật hoá lần đầu tiên kể từ năm 1997 về hiệp định hợp tác quốc phòng.
Ngoại trưởng Kerry nói rằng những qui định mới này là “một sự chuyển đổi có tính chất lịch sử” trong mối quan hệ giữa hai nước.
“Chúng tôi đánh dấu sự thiết lập khả năng của Nhật Bản để bảo vệ không những lãnh thổ của mình mà còn bảo vệ Hoa Kỳ và các đối tác khác trong trường hợp cần thiết,” ông Kerry nói.
Đây là một sự thay đổi cũng được Nhật Bản hoan nghênh.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói “Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang trở nên khắc nghiệt và khó khăn hơn. Chúng tôi hy vọng thúc đẩy cho một sự hợp tác an ninh và quốc phòng trên cơ sở rộng lớn giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản ngõ hầu khả năng răn đe cũng như khả năng ứng phó của liên minh Mỹ-Nhật sẽ được tăng cường thêm nữa.”
Một thông cáo chung phổ biến hôm thứ hai cho biết những qui định mới sẽ giúp liên minh Mỹ-Nhật tiếp tục là “nền tảng cho hoà bình và an ninh” trong vùng Á châu Thái Bình Dương, đồng thời cũng nắm giữ vai trò của “một cơ sở hoạt động cho một môi trường an ninh quốc tế ổn định hơn.”
Trước khi văn kiện hướng dẫn mới được công bố, một giới chức quốc phòng cấp cao của Mỹ phát biểu tại Washington rằng năng lực quốc phòng của Nhật Bản đã gia tăng đáng kể trong hai thập niên qua và những sự thay đổi này “rất quan trọng”.
Viên chức này nói thêm rằng “Qui định mới nới lỏng những sự hạn chế đối với những gì mà Nhật Bản có thể làm, và điều này có nghĩa là Nhật Bản có thể bắn rơi những phi đạn phóng tới lãnh thổ Hoa Kỳ cho dù chính nước Nhật không bị tấn công.”
Hai nước vẫn còn tiếp tục bàn thảo các chi tiết về việc áp dụng những qui định mới, nhưng theo thoả thuận được cập nhật này Nhật Bản sẽ nắm giữ một vai trò lớn hơn trong các sứ mạng duy trì hoà bình cũng như trong các hoạt động để với ứng phó thiên tai và cứu trợ nhân đạo.
Nhiệm vụ gìn giữ hòa bình
Nhiệm vụ gìn giữ hòa bình
Qui định mới cũng tăng cường sự hợp tác và chia sẻ thông tin trong các lãnh vực tình báo, trinh sát, thám thính và không gian ảo.
Viên chức quốc phòng Mỹ cho biết “Vấn đề chúng tôi làm những việc này ở đâu và như thế nào sẽ được bàn thảo trong lúc chúng tôi điều đình với nhau về những chi tiết của việc thực thi các qui định mới.”
Thoả thuận này cũng đề cập tới mục tiêu tăng cường hợp tác trong việc phát triển và sản xuất các loại công nghệ quốc phòng mà các giới chức Mỹ cho biết họ rất muốn có.
Các nhà phân tích cho biết hướng dẫn mới về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật có phần chắc sẽ không được Trung Quốc ưa thích.
Ông James Hardy, biên tập viên Á Châu Thái Bình Dương của tuần báo Quốc phòng Jane’s, nói “Trung Quốc sẽ không hoan nghênh bất kỳ sự thay đổi nào đối với học thuyết và những qui định hướng dẫn giúp cho sự làm việc chung của lực lượng quân sự Hoa Kỳ và Nhật Bản được tăng cường thêm nữa.” Ông cũng nêu ra sự kiện là Trung Quốc đã có phản ứng tiêu cực trước việc Washington thúc giục Lực lượng Tự vệ Nhật Bản tiến hành những hoạt động ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.
“Tôi cũng dự kiến Trung Quốc sẽ sử dụng lá bài ‘chủ nghĩa quân phiệt’ để nói rằng Hoa Kỳ đang khuyến khích ông Abe thực hiện âm mưu đen tối là xây dựng đế quốc Nhật,” ông Hardy cho biết.
Phản ứng của Trung Quốc
Phản ứng của Trung Quốc
Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng những thay đổi trong sự hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật dựa trên qui định mới không phải là một việc bất ngờ đối với Trung Quốc hay các nước khác trong khu vực, vì phần lớn các mục tiêu đã được thảo luận công khai. Nhưng các giới chức Mỹ cho biết họ sẽ thuyết trình cho các giới chức Trung Quốc “nhiều chi tiết hơn” trong tuần này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói văn kiện hướng dẫn mới “không nhắm vào Trung Quốc”, nhưng ông cảnh báo rằng những hành động của Trung Quốc sẽ mang lại cho họ những hậu quả.
“Những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, như một thí dụ, đã được các nước trong khu vực diễn giải như một nguyên do làm cho họ gia tăng ý muốn trở thành đối tác của Mỹ,” ông Carter nói. Người đứng đầu Ngũ giác đài cũng cho rằng “giải pháp cho khu vực này là không nước nào ỷ vào sức mạnh để chèn ép nước khác.”
Hướng dẫn mới cũng được cho sẽ có ích cho việc đối phó với mối đe dọa của Bắc Triều Tiên, là nước đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và thậm chí còn thực hiện nhiều vụ phóng thử phi đạn trước chuyến công du Á châu mới đây của bộ trưởng quốc phòng Mỹ.
Thỏa thuận quốc phòng
Thỏa thuận quốc phòng
Các giới chức Mỹ tin rằng hướng dẫn mới, cùng với những sự hợp tác phụ trội của Nam Triều Tiên và Australia, sẽ có ích cho “an ninh và ổn định” ở bán đảo Triều Tiên.
Hoa Kỳ đã bắt đầu thực hiện những chuyến bay của loại máy bay không người lái Global Hawk từ căn cứ Không quân Misawa ở Nhật và loan báo việc phái thêm các khu trục hạm trang bị hệ thống phòng thủ phi đạn tới Nhật Bản. Tháng 12 vừa qua, Hoa Kỳ đã bố trí một hệ thống ra đa mới tại Nhật Bản để tăng cường việc theo dõi mối đe dọa phi đạn đạn đạo.
Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng, dựa vào hướng dẫn mới, họ dự kiến quân số của Mỹ ở Nhật “sẽ giảm dần.” Nhưng họ cho biết năng lực của các lực lượng còn lại sẽ được gia tăng.
Các giới chức Mỹ cũng cho biết những hướng dẫn mới sẽ “hoàn toàn phù hợp với hiến pháp Nhật Bản.”
No comments:
Post a Comment