Monday, September 5, 2016

Nguyễn Ðăng Thục: Quốc Học, Thâu Hóa và Sáng Tạo

thuc
 Trong bài thuyết trình tại Hội trường Khách sạn Hoàn mỹ ngày 24-11-1972 ở Saigon, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo có phàn nàn:
“Tinh thần Ðại học Việt nam là tinh thần Ðại học của một Quốc gia bị trị: mục tiêu chính của nó từ khởi thủy vẫn là để đào tạo những chuyên viên thừa hành, thì làm sao có thể kích thích sáng kiến hướng dẫn suy tư, góp phần quan trọng vào công tác hoạch định đường lối cho Quốc gia”.
Ở đoạn văn trên, chúng tôi ghi nhận: “chuyên viên thừa hành” và “kích thích sáng kiến” trong tinh thần Ðại học Việt nam hiện nay.
Lại trong bài diễn thuyết của Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt ở Ðại học Vạn Hạnh ngày 11-01-1972 về “Tương quan giữa Vấn đề Giáo dục và Xã hội Việt nam”, có thính giả đặt câu hỏi:
“Thời Pháp thuộc thì Ðại học có tinh thần ‘chuyên viên thừa hành’ văn hóa Pháp, thời ảnh hưởng Mỹ thì Ðại học không có tinh thần ‘chuyên viên thừa hành’ văn hóa Mỹ hay sao?”
Và diễn giả đã giải đáp một cách chính đáng là “chuyên viên thừa hành” hay không là tự ở nơi mình không có thể trách ở người khác được, không có một nước nào viện trợ cho nước khác vì nhân đạo không vì lợi cả. Học sao lợi cho mình, cho dân tộc mình, đấy là tự mình có biết học để thâu hóa của người hay không vậy”.
Ðấy là đặt vấn đề thâu hóa sáng tạo trong Ðại học Việt nam hiện nay mà Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo gọi là “kích thích sáng kiến”. Muốn có một nền giáo dục có khả năng “kích thích sáng kiến” hay là nói cho đúng là muốn có một nền Giáo dục có khả năng phát triển sự thâu hóa sáng tạo, thì điều tiên quyết cho một dân tộc từng có lịch sử của một “Văn hiến Chi bang” là phải trau dồi đề cao nền Quốc học, bởi vì tất cả điều chúng ta học hỏi thu lượm của người từ ngoài vào đều phải qua con người mình trước khi biểu hiện ra người chung quanh mình trong nhân quần xã hội. Cái mình đây là cả sinh lý lẫn tâm lý là cái lò nung nấu, hổn luyện, thâu nhận các vật liệu thôi phác để biến hóa thành sản phẩm mới, thành dụng cụ tùy theo hoàn cảnh mà ứng dụng hữu hiệu.
Vậy cái “mình” đây là gốc, là thân của cái cây, học vấn thâu nhận như đồ tưới bón, đất đai mà kết quả ngọn ngành là hoa quả. Gốc cây xấu thì hoa quả không ngon, gốc cây tốt thì hoa quả đẹp đẽ mỹ miều, như nhà Ðại cách mệnh dân tộc Việt nam cận đại, Phan Tây Hồ đã nói với đồng bào toàn quốc ở Saigon khi mới ở Âu Tây về:
“Có người hỏi luân lý ta mất thì ta đem luân lý của Âu châu về dùng hẳn có được không?
Tôi xin trả lời rằng: Không! Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay bảo đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu?
Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật nhưng nay đem một cây rất tươi tốt như cây luân lý ở các nước Âu tây kia mà chắp vào một cây đã cằn cộc luân lý ở Việt nam ta thì tưởng cũng không tài nào tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên có sức lực bằng nhau đã. Tôi diễn thuyết hôm nay là cốt ý mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta rồi sẽ đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy”. (1)
Ðấy là lời kêu thống thiết của một nhà ái quốc thấu triệt quán thông văn hóa Ðông Tây, một nhà chiến sĩ cho lý tưởng tự do, dân chủ của dân tộc, hy sinh tận tụy cho đến phút cuối cùng. Lời kêu gọi ấy cho tới nay vẫn chánh xác, chí lý bảo chúng ta hãy ý thức lấy mình trước đã, đừng tưởng có thể thoát xác Việt nam để học thành Tây hơn Tây, Mỹ hơn Mỹ.
Cổ nhân Ðông phương bảo “tri kỷ tri bỉ”, phải biết mình trước rồi mới có thể biết được người, vì chúng ta chỉ có thể biết được người qua mình thôi. Sở dĩ như thế đối với vấn đề học vấn của chúng ta ngày nay là vì chúng ta không muốn mãi là đứa học trò, hết học thầy Tầu đến học thầy Tây, hết thầy Tây sang thầy Mỹ. Chúng ta muốn thành người trưởng thành tự do, độc lập chứ không muốn:
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.
(Tản Ðà)
Tóm lại đã đến lúc trí thức Việt nam cần cái học “Thâu hóa sáng tạo”. Muốn sáng tạo thì những kiến thức thu lượm vào phải được tiêu hóa đi, không phải là một mớ kiến thức hổn độn, góp nhặt bắt chước máy móc nguyên văn của người; “người làm sao bào hao làm vậy”, mà rồi:
“Hẩu tố, Mét xì thông mọi tiếng
Chẳng sang Tầu cũng tếch sang Tây!”
(Tú Xương)
Cách đây hơn ba mươi năm, một nhà cai trị người Pháp là E. Vayrac đã  nghiên cứu và xây dựng tiền đồ quốc học Việt nam có viết kết luận như sau:
“Cái chương trình người An nam nên theo (để có một nền văn học đặc biệt) đã bày ra đấy. Có thể tóm lại ba câu như sau:
  1. Nghiên cứu văn hóa Âu châu.
  2. Nghiên cứu văn hóa cổ điển Trung Hoa.
  3. Ðừng bỏ phần quốc túy của mình.
“Phải nên dịch cho thật nhiều các sách Tây và Tầu. Lại phải cẩn trọng mà thu thập lấy cái kho báu của tổ tiên để lại, không những văn chương thành sách hay văn chương truyền khẩu mà cả những truyện cổ tích xưa, phong tục, tập quán, những sự tư tưởng sai lầm nữa: nói tóm lại là hết thảy cái gì do hồn chung của nước tự nhiên sản xuất ra và đã qua đời nầy sang đời khác gồm cả sự sinh hoạt của dân tộc về đường lối trí thức tinh thần vậy. Khi nào các phần việc dự bị như thế tiệm thành thì bấy giờ các nhà văn An nam mới xuất hiện. Tài liệu đã sẵn sàng, có thể ra tay sáng tạo nên một nền văn chương đặc biệt. Ba cái nguồn văn đã biết rõ, sẽ lấy vật liệu ở đấy, dung hóa hổn hợp lại mà kết cấu ra sách vở. Nhưng cái mạch văn có đặc sắc hơn nhất là cái kho báu những truyện xưa tích cũ cùng là tục ngữ ca dao, xưa nay thường không hay chú ý đến. Ấy là cái kho vô tận, nếu biết khéo lợi dụng thì cũng đủ tài liệu làm nên văn chương hoạt bát hùng hồn. Chính nhờ đó mà văn chương Việt nam sau này sẽ có một giọng mới lạ, trong rừng văn học thế giới chưa từng nghe thấy bao giờ”.(2)
Trong cái văn chương Việt nam ấy, chúng ta có thể tìm hiểu được cái tâm hồn của xã hội nông nghiệp gồm tới 90% nông dân. Ðấy là bắt đầu tìm hiểu về mình để vun tưới cho cái gốc cây luân lý Việt nam trở nên tươi tốt mạnh mẽ trước khi tìm chắp vào nó cái cây luân lý Tây phương theo luận điệu Phan Tây Hồ. Ðấy là phương pháp giáo dục Việt nam ngày nay nhằm mục tiêu “Thâu hóa sáng tạo”. Và đấy chính là thuộc vào một chương trình Quốc học Việt nam hay là Việt học, vì Quốc học là cái học về Quốc sử Quốc văn và Tư tưởng hay Quốc hồn Quốc túy mà chúng ta bỏ mất cái sợi dây truyền thống từ ngày nước mất chủ quyền cho một chính quyền ngoại lai ở Âu Tây đến, hoàn toàn xa lạ với văn hóa của mình. Bị cắt đứt liên hệ tự nhiên với bối cảnh lịch sử văn hóa Ðông phương, vốn đã từ bao thế kỷ hun đúc nên văn hiến của mình, để phải thâu nhận một thứ văn hóa phương tiện su thời, cho nên chúng ta chỉ mới thâu hóa, chưa kịp tiêu hóa thì còn làm sao mà sáng tạo. Cho tối 1945, nền giáo dục Ðại học Việt nam là một giáo dục vô hồn vì không có Văn khoa để đem lại cho ta cái hồn dân tộc. Cái hồn Ðại học phải sang bên Pháp để mượn hồn Gaulois đặng lắp vào cái thân Lạc việt, cũng như ngày nay chúng ta phải mượn hồn Văn khoa của các nước ngoài, nhất là Âu mỹ vậy.
Về cuối thời Trần, khi Nho học đã bắt đầu thịnh, các nho sĩ Việt trứ danh như Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu bị cái học Tống nho chưa tiêu hóa làm cho tự ti mặc cảm đối với Tầu mà quên mất mình, bị nhà Vua Trần Minh Tông trách mà cảnh cáo “Quốc gia tự hữu thành hiến, Nam Bắc các dị”, nghĩa là “Nước nhà tự có hiến pháp rồi, phương Nam với phương Bắc khác nhau”.
Lời cảnh cáo bọn Nho sĩ vọng ngoại bấy giờ của vua Trần Nghệ Tông còn gay gắt minh bạch hơn nữa:
“Tiên triều lập quốc, tự hữu pháp độ, bất tôn Tống chế, cái dĩ Nam Bắc các đế kỳ quốc, bất tương tập dã. Ðại trị gian bạch diện thư sinh dụng sự, bất đạt lập pháp vi ý, nãi cử Tổ Tông cựu pháp khắp hướng Bắc tục thượng an bài, nhược y phục nhạc chương chi loại, bất khả mai cử.”(3)
Nghĩa là:
“Các triều đại trước lập nên nước đã tự có chế độ pháp tắc, không tôn sùng chế độ nước Tống, bởi phương Nam phương Bắc đều tự chủ lấy nước mình, không nên bắt chước lẫn nhau. Kể từ niên hiệu Ðại Tri (1358) vì bọn Nho sĩ non nớt cầm quyền chính, không hiểu cái ý tứ sâu xa lập pháp của Tổ Tông mới đem tất cả phép cũ mà đổi theo như phép của nhà Tống bên Tàu, ví như về y phục, âm nhạc, và nhiều việc khác nữa không thể nói ra”.
Và chính bọn “bạch diện thư sinh” ấy như Lê Bá Quát, Trướng Hán Siêu đã nhai lại chủ thuyết Tống nho “tịch dị đoan” bài bác các học phái khác với mình nghĩa là Lão học và Phật học để làm bài văn bia chùa Thiên phúc (Bắc gian) muốn đả kích đạo Phật ở Việt nam mà phải thú nhận đương thời “Ðạo Phật cảm động lòng người, sao mà được người ta tin thâm sâu và bền vững thế”.
Và chính trong giới nho sĩ “bạch diện thư sinh” ấy có cái học vọng ngoại nô lệ vô hồn cho nên mới có những “kẻ sĩ” như Trần Thiên Bình sang Tàu cầu khẩn vua nhà Minh đem quân xâm chiếm nước nhà lấy cớ phù chính nghĩa nhà Trần, dẹp ngụy quyền nhà Hồ. Quả nhiên quân Minh đã biến Việt nam thành quận huyện Tàu, và nếu không có anh hùng áo vải trong giới nông dân nổi lên như Lê Lợi đứng ra gọi hồn nước mà đoàn kết nhân tâm, triệu người như một, nếu không có nho sĩ Nguyễn Trãi trung thành với cái Hồ Quốc học của Trần Thái Tông để phò giúp “Bình Ngô”, thì Việt nam đã theo gót Quảng đông, Quảng tây từ thế kỷ XV thành một tỉnh của Trung quốc, người Việt đã thành dân Tàu.
Và cũng chính “kẻ sĩ” bạch diện thời hậu Lê đã sang Tàu mời Tôn Sĩ Nghị chiếm đóng Thăng long gọi là để phù chính nghĩa Lê Chiêu Thống mà dẹp ngụy quyền Quang Trung.
Ðấy là hậu quả của cái nền Giáo dục Quốc gia không có tinh thần Quốc học “thâu hóa sáng tạo” vậy. Quốc học như trước đây nhà học giả Nguyễn Trọng Thuật, trong bài “Ðiều đình cái ân Quốc học” đã giải thích trong khi tri thức Việt nam đương thời phân vân về ý nghĩa Quốc học. Ông đã viết: “Học thuật các nước trên thế giới đến ngày nay là hoàn bị và tinh tế, song lấy quốc tính mà phân ra thì có hai loại là Quốc học và Thế giới công học. Quốc học là cái học riêng chỉ một mình nước ấy có. Thế giới công học là cái học chung của các nước học lẫn nhau. Xem Á Tuyền thị ở Trung Quốc thời Quang tự giải thích như sau đủ hiểu Họ Á Tuyền có dịch một quyển sách Hóa học của Nhật bản rồi tự viết lấy bài tựa nói: “Có cái học độc hữu của một nước, có cái học công hữu của thế giới. Như lịch sử, địa lý, quốc văn, chính trị, pháp luật v.v… nước nào có tính chất của nước ấy, là cái học độc hữu của một nước đó. Như học về tự nhiên giới, học về nguyên lý, ấy là cái học công hữu của thế giới đó. Song song trong cái học công hữu của thế giới, cũng có cái học độc hữu riêng của một nước. Như về vật lý thì nói tường đến cái sở sản của bản quốc hơn. Về lý hóa thì nói tường đến những nghề nghiệp phẩm vật của bản quốc hơn; rồi đem những tài liệu của bản quốc mà chứng tỏ, lấy tiếng chữ bản quốc mà ghi chép cho nó thích hợp với tính chất riêng của nước mình. Ấy như thế thì tuy là cái học công hữu của thế giới mà thực là cái học độc hữu của một nước.”
Nguyễn Trọng Thuật lại nghiên cứu cái tinh thần thâu hóa sáng tạo của Nhật bản ngày nay nhờ có sự chấn hưng Quốc học mà trở nên cường thịnh.
Gia Khang (người dựng họ Giang thệ Mạc Phủ trường trị) trong 256 năm (1611-1967) dẹp yên các phiên rồi xếp việc võ, tu việc văn mà văn học mới hưng thịnh hơn trước, Nho với Phật chiếm cứ cả cõi tư tưởng của người trong nước. Bấy giờ có người xướng lên đêm quốc giáo thần đạo, quốc văn, cổ điển hợp làm một môn học gọi là Quốc học để đối với Nho học và Phật học mà không quên Quốc túy vậy. Cho nên sử chép: “Bản cư Tuyền tràng xướng ra Quốc học” (Bản cư Tuyền trường năng ngôn quốc học). Ấy cái danh từ Quốc học nghĩa mới xuất hiện ra học giới Nhật bản từ đó. Từ đó về sau mấy môn cốt yếu của Quốc học, người ta tìm thêm mãi ra. Thần đạo thì mượn nghĩa lý của Nho, Phật mà nhuận sắc vào. Cuối đời Ðức Xuyên có Bình Ðiền Ðốc Giận phát huy nghĩa cổ ra mà nói rằng: “Thiên Hoàng là thần nhân hiện ở thế gian (Thiên Hoàng vi hiện thế nhân thần) thì tế tự với chính trị phải nhất trí. (Tắc tự đương tế chính nhất trí). Nay nhà làm tôn giáo sử gọi lối Thần đạo này là Quốc thể Thần đạo có chép rằng: “Quốc học giả phục xướng thủ Quốc thể Thần Ðạo, dĩ tôn sùng cổ điển, cảnh ngưỡng kiến quốc sơ niên chĩ tế chính nhất trí). Nghĩa là: “Phái Quốc học lại xướng ra lối Quốc thể Thần đạo để tôn sùng cổ điển, trông lên nhớ phép tế tự với chính trị nhất trí, từ thủa mới dựng nước khi xưa”.
Cũng nhờ đó mà kết quả giúp cho Vua Minh Trị được phục chính, thành được nghiệp Duy Tân. Người Nhật bản nay thâu thái văn hóa Thái tây làm nên phú cường mà vẫn giữ được Quốc chính, Quốc hồn cũng lại nhờ có khoa Quốc học ấy nó thường thưởng hoán tỉnh vậy”(4)
Xem thế đủ biết Nhật bản mà có được khả năng thâu hóa sáng tạo văn hóa Âu Mỹ ngày nay, không mất quốc tính là nhờ họ chấn hưng Quốc học của họ vậy. Nước ta, cái tinh thần Quốc học ấy đã cực thịnh ở thời nhà Lý nhà Trần là hai triều đại thịnh vượng hùng mạnh nhất trong lịch sử dân tộc. Tuy Viện Quốc Học được dựng lập vào thời đầu nhà Trần năm 1253 do Trần Thái Tông xướng ra và thi hành trong nước, mở khoa thi chung cả ba truyền thống giáo lý lớn Ðông phương là Phật, Nho, Ðạo vào năm 1251 như còn ghi chép rõ rệt trong các sử sách.
“Nguyên phong nguyên niên, thu bát nguyệt thi Tam giáo chư khoa.
“Nguyên phong tam niên, hạ, lục nguyệt lập Quốc Học Viện – Thu bát nguyệt giảng Vũ đường, cửu nguyệt chiếu thiên hạ nho sĩ nghệ Quốc tử Viện giảng Tứ thu Ngũ kinh. (5)
Nghĩa là: “Năm Nguyên phong thứ I, mùa thu tháng 8 mở khoa thi chung cả ba giáo lý lấy người ra làm quan. Năm Nguyên phong thứ III mùa hè tháng 6 dựng ra Viện Quốc học. Mùa thu tháng 8 mở trường Võ, tháng 9 sắc cho nho sĩ trong nước đến Viện Quốc học nghe giảng Tứ thu Ngũ kinh là kinh điển Nho giáo”
Ðặc biệt là từ thời Lý, vua Lý cho dựng miếu thờ Thần Ðồng Cổ Sơn ở tại kinh đô đển cho quân dân vua quan hằng năm đến để làm lễ hết sức nghiêm trang “uống máu ăn thề”, thề rằng:
“Vi thần tận trung, vi quân thanh bạch!”
“Người làm bầy tôi hết lòng vì nước!
“Người làm quan chức giữ trong sạch!”
Như thế đã chứng minh tinh thần lập quốc của triền Lý, triều Trần, đề cao chủ quyền Quốc gia Dân tộc, suy tôn Quốc thể, hợp nhất chính trị với tín ngưỡng tôn giáo, Ðời với Ðạo lấy làm tinh thần Quốc học thâu hóa sáng tạo. Bởi vì học là học cho mình cho nên trước hết phải ý thức lấy mình, nhất là đối với các dân tộc từng mất chủ quyền, bị ngoại lai đô hộ thì công việc trở về phản tỉnh về mình, về dân tộc ở quá khứ trong một nền Quốc học lại càng khẩn thiết. Khi nhà Lý mới xây dựng một quốc gia dân tộc thoát ly khỏi hơn một ngàn năm Bắc thuộc, ở vào hoàn cảnh địa lý văn hóa và chủng tộc giao lưu, đứng giữa bao nhiêu thế lực mâu thuẫn xugn đột phức tạp vô cùng, Thiền sư Vạn Hạnh đã lấy thực nghiệm tâm linh để đạt tới cái Nhất tính sáng tạo (l’Unité créatrice) tức là cái ý thứ Nhất quán ở điểm gặp gỡ hay chưa phân hóa Thời gian Không gian gọi là “Dung Tam Tế”, hợp ba cỏi quá khứ, hiện tại, vị lai tại Tâm Thiền vậy. Và nhà Lý đã có được cái ý thức hệ Ðại việt là cả một Vũ trụ qua kết quả của thâu hóa cái học thế học của Trung hoa do Khổng Mạc và Lão Trang đại biểu với cái học siêu thế gian của Ấn Ðộ do Phật đại biểu, hợp vào Thần Ðồng Cổ Sơn bản xứ, đại biểu cho Tổ quốc, để sáng tạo ra cái cơ cấu tổ chức Quốc gia Xã hội:
– Thần – Phật
– Ðình – Chùa
– Ðời – Ðạo
Ðể điều hành và bản vệ lâu bền thế quân bình cuả cái quốc gia xã hội ấy, nhà lãnh đạo phải có được cái tâm Thiền “dung tam tế”.
Tâm Thiền “dung tam tế” là cái ý thức vũ trụ “Thiên Ðiạ chi tâm”, là cái ý thức đại đồng mà Vạn Hạnh đã đạt tới bằng phương pháp Thiền định, tiêu trừ biên giới cá nhân để nối vào nhịp điều lý vận hành của nguồn sống vô biên, cho nên bảo là “nhậm vận”. Giữa ý thức cá nhân với ý thức vũ trụ không còn biên giới nữa là cái tinh thần Duy nhất chưa phân hóa ra thời gian và không gian cùng với những ý niệm Có hay Không của danh lý và tri giác quan. Ðấy là cái ý thức nhân bản toàn diện hợp tình, hợp lý mà Daniel Rops đã giới thiệu gọn như là:
“L’expression compliète de l’homme en fonction d’une part des conditions transitoires du temps et du sol sur lequel il vit et, d’autre part, de la réalité transcendante de son être par laquelle il dépasse ces conditions mêmes”. (6)
“Biểu diễn đầy đủ của con người tùy theo một mặt những điều kiện biến đổi của thời gian và đất đai ở nơi nó sinh sống, và một mặt khác, tùy theo cái thực tại siêu nhiên của bản tính tồn tại nhờ đấy nó vượt lên trên chính những điều kiện kia”.
Cái nhân bản toàn diện trên đây là một nhân bản khai phóng chứ không phải trí thức khái niệm như một hệ thống đóng cửa vì ở đây là một quá trình thực nghiệm tâm linh của Thiền Tông đặc biệt Việt Nam là Thiền hành động nhập thế vào đời để quên mình cho đoàn thể dân tộc như Thiền sư Phù Vân đã khuyên vua Trần Thái Tông “lấy tâm thiên hạ làm tâm, lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn”. (Dĩ thiên hạ tâm vi tâm, dĩ thiên hạ dục vi dục” – Thiền Tông chỉ nam tự). Vậy nhân bản Thiền là nhân bản khai phóng lấy thực tại nội tại siêu nhiên (immanent transcendant) làm cơ bản hợp sáng cho nên có khả năng thâu hóa sáng tạo, không bài ngoại một phương diện nào của sinh tồn, trọng các khuynh hướng khác với mình mà cảm thông để cộng sinh tiến hóa như Mâu Tử đã tuyên bố trên đất Giao chỉ đầu thế kỷ nguyên Dương lịch: “Các tư tưởng khác nhau như là mặt trời mặt trăng, đều sáng cả, mỗi đàng có chỗ soi chiếu riêng của nó”.
Hay là như Thiề sư Ngộ Ấn nói: “Vô thượng Pháp vương tại thân vi Phật, tại khẩu vi Pháp, tại tâm vi Thiền, tuy thị tam ban kỳ qui tắc nhất. Dụ như tam giang chi thủy, tùy xứ lập danh, danh tuy bất đồng, thủy tính vô dị.” Nghĩa là: “Ðấng vô thượng Pháp vương hay là Chủ tể tối cao ở tại thân mình là Phật nhập thể, ở miệng nói giáo lý, ở tại trong tâm lý là Thiền hay là ý thức siêu trí thức. Tuy là ba phương diện mà đều hướng về một mối. Ví như nước ở ba dòng sông, tùy địa phương mà có tên gọi, tên gọi tuy có khác nhau nhưng bản tính của nước thì giống nhau cả”.
Ðấy chính là tinh thần tôn giáo đại đồng mà hiện đại Thánh Ramakrishna đã thực hiện và truyền cho Vivekananda” Sú mệnh của Sư phục tôi cho nhân loại là: “Hãy thành tâm linh và thực hiện chân lý vì mình.” Người mong ở chúng ta hy sinh để cứu vớt đồng loại. Người mong ở chúng ta chấm dứt nói suông về tình yêu thương con nhỏ của ta mà phải hành động đi để xác chứng cho lời nói của mình. Ðã đến lúc phải hỷ xả, phải thực hiện và bấy giờ sẽ thấy sự hòa điệu của các tôn giáo trên thế giới. Các vị sẽ thấy không có chi cần phải cãi cọ, và chỉ đến bấy giờ các vị mới thấy sẵn sàng giúp đỡ nhân loại. Sứ mệnh của Sư phụ tôi là để tuyên bố và chứng minh rõ ràng cái đồng nhất tính cơ bản trong tất cả tôn giáo. Các tôn sư khác đã dạy những giáo lý riêng biệt mang tên tuổi của mình, nhưng vị Ðại Tôn sư này của thế giới thế kỷ XIX không có đòi hỏi chút gì cho riêng mình cả. Ngài không từng đụng chạm vào một tôn giáo nào, Ngài hoàn toàn tôn trọng tất cả bởi vì Ngài đã thực hiện thấy sự thật các tôn giáo đều là bộ phận và phần tử thuộc vào một Tôn giáo vĩnh cửu”.(7)
Văn hóa thâu hóa sáng tạo càng khác nhau thì nguyên lý nhất quán sáng tạo càng phải sâu rộng bấy nhiêu, và nếu sự thâu hóa chưa nhất quán thì tức là chưa tiêu hóa được những kiến thức đã thu lượm ở ngoài vào để biến thành máu tủy của mình, thì làm sao mà sinh hóa ra các tế bào mới? Việt Nam chúng ta ngày nay không những đứng ở giữa ngã ba các trào lưu văn hóa Ấn Hoa như thời nhà Lý ở trên đấn Giao chỉ. Chúng ta hiện đứng ở trung tâm Ðông Nam Á châu là nơi có các ngọn gió bốn phương thổi lại, đất lý tưởng cho sự thâu hóa sáng tạo của một ý thức khai phóng về văn hóa thế giới đại đồng mà Lê Quí Ðôn đã tuyên bố cái ý tưởng dẫn đạo “Ðồng qui nhi thù đồ”, “Ðường lối khác nhau mà cùng về một mối” (l’Unite dans la Diversité). Ðấy là cái ý thức “Dung Tam Tế” của Vạn Hạnh, “Tối thượng Pháp vương” của Ngộ Ấn, hợp Tịnh với Thiền, tình cảm với ý chí và lý trí thực hiện mà tác phẩm kiến trúc Chùa Một Cột là tiêu biểu cho khả năng sáng tạo vậy.
Dân tộc Việt nam đã thành tựu trong ngót hai ngàn năm quốc sử cái quốc hồn quốc túy phong phú mạnh mẽ, giầu tiềm năng, chúng ta cần phải trở về phản tỉnh để làm sống lại thì sự thâu hóa mới có sáng tạo. Ðứng ở chỗ gặp gỡ của ba sắc thái văn hóa độc đáo và chính yếu của thế giới là sắc thái xã hội của Trung Hoa, sắc thái tâm linh của Ấn Ðộ, sắc thái khoa học thiên nhiên của Âu Mỹ. Về quá khứ, dân tộc đã thâu hóa có sáng tạo sắc thái văn hóa Trung hoa và Ấn độ thành cái truyền thống tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”. Ngày nay vấn đề ấy được đặt ra cho chúng ta đối với sắc thái văn hóa khoa học thiên nhiên Âu Mỹ. Ðấy là cả một vấn đề phối hợp phong phú khả năng sáng tạo giữa Ðạo học Ðông phương với Khoa học Tây phương vậy, Như Huston Smith đã kết luận bài tiểu luận của Ông nhan đề “Accents of World’s philosophies”. (Những đặc sắc của triết học thế giới):
“Chúng tôi đã gợi ra ý kiến rằng mỗi một trong ba đại truyền thống văn hóa (Trung hoa, Ấn độ, Âu Tây) đã thành tựu được những kết quả đáng kể đối với những vấn đề căn bản của nhân loại. Nhưng chúng cũng đã đưa đến miệng vực hủy hoại vì một trong ba truyền thống không đủ để tâm đến hai truyền thống còn lại. Kết luận hiển nhiên là một nền văn hóa thích đáng phổ cả ba thanh âm thành một bản hòa tấu. Trong sự phát triển bản hòa tấu ấy của một nền văn hóa thế giới thì ba truyền thống được xem như bình đẳng. Mỗi một truyềng thống đều có điều trọng yếu để cống hiến cho nhau và có điều để học hỏi lẫn của nhau.”(8)
Ðấy là đại khái định hướng cho vấn đề Quốc học Việt nam ngày nay đối với một nền Giáo dục Quốc gia thâu hóa sáng tạo vậy. Thâu hóa sáng tạo như hạt thóc kia rắc xuống, ở đấy nó thu hút vô số các chất liệu mầu mở khác nhau nào nước, nào không khí, nào phân bón, bào ánh nắng… hàng trăm thứ khác nhau để rồi nẩy thành cây lúa mà hạt thóc thì tiêu hủy đi, biến thành bông lúa với trăm ngàn hạt thóc mới. Ðấy là định luật của sự sống, vì sống là tiến hóa không ngừng, sống là thâu hóa sáng tạo, thâu hóa của người mà sáng tạo tự nơi mình và cho mình. Khoa học chú ý vào phương diện đặc thù của sự sống, Ðạo học chuyên tìm phương diện phổ quát của sự sống. Hợp cả hai phương diện thì mới có được đời sống đầy đủ viên mãn, nhân bản toàn diện khai phóng vậy.
(1) Ðạo đức luân lý Ðông tây, Saigon 19-11-1925
(2) Nguyên Pháp văn của E.Vayrac, T.C. dịch N.P số 140)
(3) Sử ký Toàn thư
(4) (Nam Phong đã dẫn trên số 167)
(5) (Ðại Việt sử ký toàn thư)
(6) Ce qui meurt et ce qui nait – p. 46 Plon
(7) Swami Vivekananda – “My Master”
(8) Huston Smith, Philosophy East and West, Hawaii University, July 1957, p. VII, 1,2.
Feature image: TT Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh trao bằng Tiến sĩ Danh dự tới Gs. Nguyễn Đăng Thục. (Hình do Hội Ái hữu Cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh cung cấp)

No comments:

Post a Comment