Thursday, January 14, 2016

KHƠI DÒNG SỬ VIỆT


SỬ THI BỐ LẠC-MẸ ÂU,  UYÊN NGUYÊN NỀN MINH TRIẾT VIỆT NAM.

    Mỗi dân tộc đều có một vật tổ biểu trưng, trong khi Việt tộc có hai vật tổ song trùng đó là Tiên Rồng. Ngay từ thời đá mài Bắc Sơn cách nay khoảng 7000 năm người ta đã tìm được những hòn sỏi mài nhẵn có gạch 2 vạch song song mà theo các nhà nghiên cứu thì đó là nét song trùng, hay là nét lưỡng hợp. Đặc điểm của ngôn ngữ Việt Nam là luôn luôn có những danh từ kép như sông núi, đất nước, nóng lạnh, sáng tối, trong ngoài, âm dương, nước nhà, nhà nước biểu trưng lưỡng thể tính âm dương đối lập trong sự thống nhất hài hoà bởi nguyên lý MẸ.

    Ngày nay mọi người đều nhận chân được ý nghĩa và giá trị của truyền thuyết là những trang chiếu giải trung thực nhất của người xưa. Vấn đề là chúng ta, thế hệ con cháu phải tìm về nguồn cội xa xưa để lý giải ngữ nghĩa hàm ẩn trong chiều sâu ý niệm tâm linh của dòng sống sinh động Việt cổ thời Hùng Vương. Đó chính là quan niệm sử theo chiều dọc mà chúng ta gọi là huyền sử.

     Truyện xưa kể rằng mối tình Rồng Tiên của đôi vợ chồng nhân thần để rồi ba sinh hương lửa mặn nồng đã sinh ra bọc điều trăm trứng nở ra trăm con trai khôi ngô tuấn tú lạ thường. Bố Rồng trở về Thủy Phủ để Mẹ Tiên ở lại nuôi con. Mẹ con cùng đường, tính trở về quê ngoại nhưng chiến tranh loạn lạc nên không về được. Mẹ con lẻ loi đơn chiếc chỉ biết ôm nhau khóc lóc kêu gào mong bố trở về: “Bố ơi! Bố ở đâu mau về cứu chúng con …”. Rồi một hôm, Bố Rồng bỗng nhiên về gặp Mẹ Tiên ở bến nước sông Tương để tạ từ ly biệt. Tự thân của mẩu truyền thuyết này là uyên nguyên triết lý của sự tương sinh tương khắc, tan hợp hợp tan, quy luật muôn đời thường hằng bất biến của vạn vật muôn loài. Bến nước sông Tương ngàn trùng xa cách từ buổi ấy đầy ắp những giọt nước mắt chia ly đã là hồn thơ muôn thuở của thi nhân:

Bố về gặp Mẹ bến sông Tương                                                                                                               Giọt lệ sầu đong nghĩa vợ chồng                                                                                                             Ngàn năm tự thuở chia ly ấy.                                                                                                                   Huyền sử Rồng Tiên giống Lạc Hồng…

    Giọt lệ sầu đong của Mẹ đã khiến bố Lạc ngậm ngùi tha thiết giãi bầy: “Ta là giống Rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống Tiên sống ở trên đất, vốn không ở được với nhau lâu. Tuy nhiên âm dương hợp lại mà sinh con, nhưng dòng giống tương khắc như nước với lửa khó bề ở lâu với nhau được. Nay phải chia ly. Ta mang 50 con về thủy phủ chia trị các nơi, còn nàng đem 50 con về ở trên đất chia nước mà trị. Những lúc lên non xuống biển có việc cùng nhau gắn bó với nhau đừng bỏ rơi nhau”.

     Mẹ Âu dẫn 50 con lên núi, suy tôn người con trưởng lên làm vua đặt tên nước là Văn Lang. Còn mối tình nào trên thế gian này cao đẹp tuyệt vời như thiên tình sử Tiên Rồng, tuy huyền nhưng không ảo, tuy mơ nhưng lại thực và sự hiện hữu của cộng đồng Bách Việt là một sự thực lịch sử của huyền sử Tiên Rồng:

Việt Nam thi sử truyền ghi,                                                                                                                       Âu Cơ Tiên nữ kết nghì Lạc Long,                                                                                                     Công Chúa Viêm Đế vốn dòng,                                                                                                             Theo cha du ngoạn non bồng Nam phương,                                                                                  Động Đình kết mối uyên ương,                                                                                                  
Thuyền quyên lòng đã mười thương anh hùng!                                                                              
Sắt cầm hoà hiệp nguyện chung,                                                                                                            Trăm năm kết nghĩa vô cùng nên thơ,                                                                                                    Ba sinh hương lửa đợi chờ,                                                                                                              Mặn nồng tình nghĩa ngây thơ thẹn thùng,                                                                                     
Bọc điều trăm họ thai chung,                                                                                                         
Đồng bào tiếng gọi vô cùng Việt Nam
Thân thương cao cả vô vàn,                                                                                                             
Hồn thiêng sông núi mang mang lòng người,                                                                            
Truyền kỳ lịch sử tuyệt vời                                                                                                                
Cội nguồn dân tộc đời đời không quên!

    Truyền thuyết Rồng Tiên là một triết lý văn hoá tuyệt vời. Hình tượng Bố Rồng, Mẹ Tiên là hình tượng nguyên sơ, uyên nguyên nguồn cội của triết lý Âm Dương, biểu tượng bởi đôi vợ chồng nhân thần Bố Lạc-Mẹ Âu. Bố Rồng-Mẹ Tiên là những anh hùng khai sáng văn hoá không những của dân tộc Việt mà còn là của cả nhân loại nói chung.

     Mẹ Tiên, người Mẹ Âu Cơ của dân tộc dạy con cái làm rẫy, trồng khoai, trồng lúa ven núi, trồng mía ven sông, đào giếng, dệt vải, ép mật, thổi xôi, làm bánh. Đó là người Mẹ của giống dòng Bách Việt, người Mẹ của Tổ Quốc Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau. 

     Bố Rồng diệt quái vật, Ngư tinh, Mộc tinh và Hồ tinh để giúp dân yên ổn làm ăn sinh sống. Bố Rồng còn dạy con dân cách thức xâm mình, vẽ mình để khỏi bị thủy quái làm hại.

     Bố là hình ảnh tượng trưng cho ý chí sức mạnh truyền thống của Việt tộc, còn mẹ là hình ảnh biểu trưng của tình cảm nhân ái hiền hoà của dân tộc như một biểu tượng nòi giống Rồng Tiên:
Sữa Mẹ Âu tuôn dòng nhân nghĩa,                                                
Máu Bố Lạc hừng chí hùng anh”.

    Từ ý niệm Đất Nước, Núi sông đến Cha Trời, Mẹ Đất thể hiện triết lý sống trên mặt trống đồng Ngọc Lũ là biểu tượng của tín ngưỡng tự nhiên nguyên thủy của nền văn minh nông nghiệp thời cổ đại. Mặt trời, ánh sáng cần thiết cho sự sống ban ngày. Ngôi sao, mặt trăng ban đêm, là giấc ngủ không thể thiếu được trong đời sống con người. Đất là Mẹ ấp ủ dưỡng nuôi để hạt giống nảy mầm khai sinh sự sống. Nước mưa của cha từ trên trời rơi xuống lòng đất mẹ cùng với ánh nắng mặt trời, ánh sáng của tình yêu thương, đã tạo ra muôn vật muôn loài, sinh sôi nẩy nở, đơm bông kết trái. Từ những ý niệm khởi đoan, cùng với sự chiêm nghiệm thực tế đã hình thành triết lý Âm Dương dịch biến, quy luật căn cơ muôn đời của vạn vật trong cuộc biến diễn thường hằng bất biến.

    Truyền thuyết Việt Nam biểu trưng giá trị đích thực của con người, với ý nghĩa nhân chủ trong văn hoá khởi đoan của một nền triết học do con người dẫn khởi mà vẫn hài hoà với vũ trụ muôn loài. Đề cao con người, tôn trọng sự sống của con người và muôn loài, muôn vật trong đó con người vẫn cao quý thiêng liêng hơn hết, con người là mục đích đầu tiên và cũng là cùng đích để phục vụ. Sự hài hoà giữa tinh thần và vật chất, giữa tâm linh và thể xác, ý chí và tình cảm được biểu tượng bởi đôi vợ chồng Nhân Thần:

Bố Rồng (ý chí)   + Mẹ Tiên (tình cảm)  =      con người Việt Nam toàn diện  
Bố Lạc (sức mạnh)+ Mẹ Âu (tâm linh)                                                                                                                (Vật chất )                (tinh thần)            
                                                                                 
    Con người cao quý hơn muôn loài, làm chủ muôn loài muôn vật, nhưng vẫn hòa tâm cùng không gian, hòa tính cùng thời gian, hòa thông cùng vũ trụ theo quan niệm vạn vật đồng nhất thể, nhân thân tiểu thiên địa của lý nhất trung trong triết lý Đông Phương. Nhân linh ư vạn vật vì con người có một đời sống tâm linh cao vời sâu thẳm cùng với ý chí, nội lực tự thân đã không ngừng sáng tạo trong lao tác chinh phục khống chế thiên nhiên, để phục vụ cho nhu cầu hạnh phúc an lạc của cuộc sống con người. Bố Rồng, Mẹ Tiên của truyền kỳ lịch sử cũng chính là Bố Lạc, Mẹ Âu của hiện thực lịch sử đã tạo thành sức sống mãnh liệt vô biên của dân tộc từ thời lập quốc cho đến ngàn sau.

    Dân tộc Việt đã chinh phục thiên nhiên, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù dưới bất kỳ danh nghĩa nào, để khẳng định trước nhân loại: Một dân tộc anh hùng đã có gần năm ngàn năm văn hiến. Chính truyền thống yêu nước thương nòi xuất phát từ lòng tự hào dân tộc con Rồng cháu Tiên, với ý chí kiên cường bất khuất, tinh thần hy sinh quả cảm đã đánh bại biết bao kẻ thù xâm lược bạo tàn, hung hãn, thâm độc, quỷ quyệt nhất. Điều này được Hán Hiến Đế, người đứng đầu triều Hán, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc đã phải tuyên dương “Man di chí thiện”, con châu chấu bên cạnh bánh xe Đại Hán mà dân ta vẫn tự hào ví von “Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng!”:

“GIAO CHỈ LÀ ĐẤT VĂN HIẾN, NÚI SÔNG UN ĐÚC, TRÂN BẢO RẤT NHIỀU, VĂN VẬT KHẢ QUAN, NHÂN TÀI KIỆT XUẤT”. …”

     Nền minh triết Việt khởi nguyên từ thần tổ kép Tiên Rồng, uyên nguyên của triết lý Âm Dương Việt cổ, Âm Dương biểu tượng cho 2 mặt đối lập tương sinh tương khắc nhưng không dẫn đến triệt tiêu, hủy diệt lẫn nhau mà cùng nhau tương hoà theo lý đối lập thống nhất. Trong vũ trụ vạn vật muôn loài đều có 2 mặt đối lập với nhau nhưng vẫn cần thiết có nhau, tương hòa để tồn tại. Nếu những yếu tố cấu tạo thành vật chất đấu tranh tiêu diệt loại trừ lẫn nhau, nói một cách khác là nếu thiếu một trong 2 yếu tố căn bản hoặc âm hoặc dương thì sẽ không có muôn loài muôn vật. Nếu như chỉ có nam mà không có nữ hoặc ngược lại thì cũng chẳng có loài người. Trái lại, tuy nam đối lập với nữ về nhiều mặt từ vóc dáng thể chất đến tình cảm tâm hồn nhưng cả hai lại có tương sinh nếu hợp nhất lại: Nữ (Âm) + Nam (Dương), tình cảm + lý trí, tinh thần + vật chất thì sẽ sinh thành một mầm sống là con cái để truyền chủng tạo ra nhân quần xã hội loài người.

    Thực tế cuộc sống được chiêm nghiệm suốt chiều dài của lịch sử loài người, đó là tuy đối lập nhưng vẫn hài hòa, thống nhất trong đa dạng thì loài người mới tồn tại mãi tới ngày nay. Bất cứ muôn loài muôn vật muốn tồn tại phải “tương hòa”, đó là đạo “Thái hòa” của nền minh triết Việt Nam. Hòa hợp ngay tự bản chất mỗi vật, hòa hợp ngay chính bản thân mỗi người như thể xác với tâm hồn, tình cảm với lý trí, tâm với tính, hài hòa với thiên nhiên, hài hòa trong ứng xử giao tiếp với tha nhân, duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc khác để cùng tồn tại chứ không mưu đồ tìm cách để tiêu diệt lẫn nhau một cách cực đoan.



     Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải cùng tôn trọng nhau, chấp nhận nhau dù có sự khác biệt. Phải chấp nhận thống nhất trong đa dạng, lấy yếu tố con người làm đích điểm để cùng chung sống trong hòa bình. Đó chính là triết thuyết Nhân bản cộng tồn, lấy con người là chính để cùng chung sống trong hòa bình an lạc của nền minh triết Việt.  Trong khi các quốc gia khác trên thế giới thường chọn một vật tổ biểu trưng, một ý thức hệ làm đích điểm nên đắm chìm trong duy lý cực đoan của nhị nguyên luận, không chấp nhận bất cứ cái gì khác ngoài họ, A là A chứ không thể vừa A vừa B được. Chính đầu óc duy lý cực đoan trên đã đưa nhân loại đến bế tắc, đến ngõ cụt là một cuộc chiến tranh hủy diệt, hậu quả của lý đối lập loại trừ. Trong khi Tổ tiên ta lại chọn Thần tổ kép “Tiên-Rồng” trên nền tảng minh triết siêu việt và chỉ có nền minh triết Việt mới giải quyết được vấn đề nhân sinh trước thềm thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại.

No comments:

Post a Comment