Thursday, June 12, 2014

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN

 

Mặc dù Mỹ tuyên bố giữ quan điểm trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ, song Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel hôm qua cũng đã phát biểu rằng Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa từ lâu và Trung Quốc cần phải rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống về.

 

Theo Tạp chí Xã Hội Học - 11:08 11/06/2014

 

Trong cuộc họp báo qua điện thoại từ Yangon (Myanmar) vào hôm qua (10/6), Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel đã nêu lên hàng loạt các quan ngại của Mỹ đối với căng thẳng xung quanh giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) cũng như việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa để khẳng định cái gọi là chủ quyền trên phần lớn biển Đông.

 

Mặc dù Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, ông Russel lưu ý rằng Việt Nam từ lâu đã tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Hơn nữa, Việt Nam lâu nay đã thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực mà Việt Nam chính thức tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế tính từ đất liền.

 

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel 

 

Trong cuộc gặp với các quan chức cấp cao Việt Nam và Trung Quốc bên lề hội nghị ARF ở Myanmar, ông Russel đều nhấn mạnh sự cần thiết phải xuống thang tình hình ở Hoàng Sa, hai bên cần kiềm chế trong hoạt động của các tàu thuyền.

 

“Các nước tham gia tranh chấp tại biển Đông cần bảo đảm hành vi của mình không mang tính khiêu khích… Đó là cơ sở để hạ nhiệt căng thẳng trên biển Đông”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói.

 

Bình luận cụ thể về tình hình gia tăng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981, ngoài việc nhấn mạnh các bên cần thể hiện như tinh thần hợp tác, tự kiềm chế và bảo đảm an toàn cho ngư dân cũng như tàu bè, ông Russel nhận định yếu tố quan trọng để hạ nhiệt là “Trung Quốc phải rút giàn khoan”.

 

"Khuyến nghị của tôi là Trung Quốc nên rút giàn khoan ra khỏi Biển Đông, cả Trung Quốc và Việt Nam nên rút tất cả tàu về. Cách làm đó sẽ giúp tạo nên hòa bình cho quá trình ngoại giao, giải quyết căng thẳng", ông Russel nói.

 

Đối với các hoạt động xây dựng cải tạo mà Trung Quốc bị nghi đang tiến hành ở Biển Đông hiện nay, ông Russel bình luận rằng việc xây dựng quy mô lớn đó vi phạm nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng mà Trung Quốc và ASEAN cam kết trong Tuyên bố ứng xử của các bên năm 2002 (DOC). Trong đó các bên tự cam kết không chiếm đóng những thực thể không có người ở.

 

Theo ông Daniel Russel, Trung Quốc nên rút đoàn tàu hộ tống về để tránh làm căng thẳng thêm tình hình

 

Tại cuộc họp ARF, ông Russel nói các bên có cơ hội ngồi vào bàn để lắng nghe từ Trung Quốc, Việt Nam và cả Philippines. Đại diện các nước đều bày tỏ mong muốn có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, cần có cách cư xử có trách nhiệm trong khu vực. Ông Russel nói Mỹ khuyến khích các nước liên quan ở Biển Đông phát huy các phương cách ngoại giao để giải quyết khác biệt.

 

Ông Russel cũng nhắc đến việc Tòa trọng tài thường trực có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) vừa yêu cầu Trung Quốc trong vòng 6 tháng phải trả lời đơn kiện của Philippines liên quan đến yêu sách "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh trên biển Đông.

 

“Đây là cơ hội quan trọng để Trung Quốc gỡ bỏ những mập mờ liên quan đến tuyên bố chủ quyền dựa trên đường 9 đoạn của mình. Chính những tuyên bố chủ quyền trên cơ sở này đang không ngừng làm gia tăng căng thẳng và bất an trong khu vực”, ông Russel nói.

 

Ông Russel khẳng định chính sách “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương mang lại lợi ích cho các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc. Quan điểm này đã được Tổng thống Barack Obama truyền đạt trong bài phát biểu về chính sách ngoại giao tại trường võ bị West Point (New York) ngày 28/5.

 

“Nếu chúng ta không có phản ứng thích hợp thì những hành động hung hăng tại các khu vực, ở nam Ukraine, biển Đông hay bất cứ nơi nào khác sẽ ảnh hưởng đến đồng minh của chúng ta và khiến quân đội phải vào cuộc”, ông Obama đã nói.

Theo Yên Yên

No comments:

Post a Comment