NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY MÀ ĐAU ĐỚN LÒNG...
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Đăng ngày: 28.01.2013 , Mục: Tin Việt Nam
VRNs (28.01.2013) – Hà Nội –
Xin được mượn câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du để viết những dòng tâm tư này:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Dòng tin nhắn ngắn ngủi trên facebook về những người dân oan khốn khổ
đến từ khắp vùng miền trên mảnh đất hình chữ S đã lay động rất nhiều
người có tâm trong xã hội. Họ là những người dân oan trong cái xã hội
gọi là “thiên đường”, điểm kỳ lạ là “thiên đường” mà oan sai tập trung ở
khắp nơi. Bản thân tôi không hề biết rằng trước tôi đã có rất nhiều
người không tên đã đội mưa phùn, gió rét của tiết trời đông miền Bắc để
đến chia sẻ với bà con từ tấm áo đến những đồ thực phẩm rất bình thường.
Tôi thấy ấm lòng hơn bởi xã hội này con người ta vẫn chưa hoàn toàn vô
cảm với những người cần được chia sẻ thực sự.
Cái lạnh của miền
Bắc phải nói “cắt da, cắt thịt” lại thêm cơn mưa phùn khiến người dân
Bắc ai cũng chỉ muốn ngồi trong phòng kín, dân văn phòng hay người có
điều kiện thì dùng điều hòa để làm ấm mình. Nhưng ngoài kia, ngay trên
trụ sở tiếp dân của quận Hà Đông hàng chục người đội mưa gió, bất chấp
cái lạnh cắt da cắt thịt kia để đòi thỏa đáng cho mình. Họ là người dân
có nhà cửa, có ruộng vườn và đang sống một cuộc sống bình thường của một
người nông dân lam lũ, hai sương một nắng. Nhưng họ đã bị mất tất cả
những thứ đó vì những cái quyết định, cái chữ ký nghiệt ngã của địa
phương đó với mục đích tư lợi cá nhân của chính quyền đó. Để rồi họ phải
đặt chân ra mảnh đất thủ đô, nơi mà họ nghĩ rằng họ sẽ được trả lời và
được bênh vực thì giờ đây họ lại phải chịu cảnh ăn chờ nằm trực, phải
chịu cảnh giá rét nơi trụ sở tiếp dân kín cổng cao tường.
Đọc vội
dòng tin trên internet tôi thầm nghĩ mình sẽ phải đến đó, sẽ phải làm
điều gì đó cho bà con nơi đây. Sau khi xong công việc trở về Hà Nội vội
vã đến đó thì trời đã tối, nhìn thấy cảnh cái lán ở lụp xụp bên trong cả
chục ông bà già lớn tuổi co ro vì lạnh, có lẽ vì đói nữa. Nghẹn ngào
tôi cố gắng trao tận tay những con người khốn khổ đó một chút tấm lòng
để sẻ chia với họ. Tôi thấy đau lòng, thấy xót xa trước những gì tận mắt
tôi nhìn thấy. Từng người, từng người một nắm lấy bàn tay tôi nói lời
cảm ơn trong nghẹn ngào. Tôi chỉ nghe được chữ “CẢM ƠN” vì trong số đó
có những ông bà, cô chú nói bằng tiếng địa phương và những điều tôi nhắn
gửi đều có người dịch lại. Bàn tay gân guốc và lạnh ngắt của ông già,
tôi nghĩ là khoảng 70-80 tuổi, qua một cô cùng ở trong lán tôi biết ông
tên Điểu Vương đến từ Đăk Nông. Bàn tay ông nắm chặt lấy bàn tay tôi và
nói cảm ơn tôi thấy ấm áp vô cùng. Rồi tôi nắm tay từng người, từng
người một để chia sẻ với những điều mà họ phải chịu trước những việc làm
sai trái của chính quyền.
Một cô rành tiếng Kinh nhất nói với
tôi: “Sáng nay cũng có mấy anh chị đến cho quần áo, rồi thức ăn nữa, cô
cảm động lắm. Mọi người ở đây không có ai muốn rời bỏ gia đình để đi ra
đây sống cái cảnh này đâu nhưng bọn cô khổ lắm con ơi. Họ cướp hết đất
canh tác, cướp hết ruộng vườn khiến gia đình cô không còn đất để mà
trồng trọt nữa.” Tôi chẳng biết nói gì nữa vì những gì tôi đang thấy
khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều đến xã hội hiện tại. Ngoài kia, ngoài
cái thế giới riêng mà tôi đang sống cho mình còn có bao nhiêu bất công,
bao nhiêu đàn áp và bao nhiêu dân oan như những người hôm nay tôi đến
chia sẻ. Nắm tay thật chặt bà con để bà con biết mình được hiểu, được
chia sẻ, được cảm thông và rằng còn có nhiều người chia sẻ với họ. Chui
ra khỏi lán tôi ngước nhìn bầu trời đen kịt, vài hạt mưa phùn làm tôi ớn
lạnh, xoay người lại nhìn cái gọi là trụ sở tiếp dân ánh điện sáng rực
so với cảnh cái lán lụp xụp của bà con tôi thấy rõ được sự bất công và
những nỗi oan mà bà con ở đây phải chịu. Họ là những người đến từ rất xa
như Trà Vinh, An Giang, Đắk Nông… lặn lội ra tận ngoài này để đòi lại
những mảnh đất đã gắn bó với họ, với gia đình họ và đó là nơi nuôi sống
họ. Những cảnh đời tôi nhìn thấy hôm nay đã cho tôi thấy một mảng màu u
tối, xám xịt cái nơi mà họ gọi là “thiên đường”.
Phát biểu trên
VTV, chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói với đồng bào dân tộc thiểu số:
“Điều quan trọng là bà con không được để nỗi chán nản, thất vọng chiến
thắng quyết tâm vượt khổ, vượt khó của mình!”. Đây là hình ảnh bà con
Đăk Nông quyết tâm bám trụ trước phòng tiếp dân TP Hà Nội. Trước đó, bà
con đã bị công an nửa đêm đuổi khỏi phòng trọ, còn chủ nhà trọ thì bị
doạ phạt 120 triệu đồng!
Ảnh chụp một nhóm bạn trẻ trên đường đi học về hỏi thăm bà con
No comments:
Post a Comment