Wednesday, October 1, 2014

Joshua Wong - thủ lãnh biểu tình Hong Kong là ai?
 
 
Thứ 3, 30/09/2014

Chân dung thủ lĩnh 17 tuổi của phong trào biểu tình Hong Kong

Trong vòng 2 năm qua, Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), một thiếu niên gầy gò và đeo kính cận, đã thành lập được một phong trào đòi dân chủ của giới trẻ tại Hong Kong với mục đích gây áp lực buộc Trung Quốc phải để Hong Kong được tự do bầu chọn lãnh đạo của mình.
Joshua Wong sinh ngày 13/10/1996 tại Hong Kong. Chịu ảnh hưởng của bố mẹ, từ nhỏ cậu đã thích tham gia các hoạt động xã hội. Ngày 20/5/2011, Wong cùng một học sinh trung học khác là Lâm Lương Ngạn thành lập phong trào Học dân tư triều (Scholarism). Tháng 8/2014, Wong được nhận vào Đại học Mở Hong Kong, theo học chuyên ngành khoa học xã hội (chính trị và hành chính cộng đồng). Tài khoản Facebook của Wong hiện có hơn 200.000 người theo dõi.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Bắc Kinh cho biết Wong là người nhiệt tình, có tư duy tốt, nói năng lưu loát không thua gì một chính khách. Giáo viên Từ Kỳ Hoa, người từng công khai biện luận cùng Wong về vấn đề giáo dục quốc dân, từng thừa nhận Wong là một người có tâm, lúc bình luận sự việc rất có lý có tình, nhưng có lúc khi mọi người đang đề cập tới đề tài này thì cậu đột ngột bẻ ngoặt sang đề tài khác không liên quan.

CNN cho hay, khi trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc vào năm 1997, Anh và Trung Quốc đã cùng ký một hiệp ước, theo đó, Trung Quốc cam kết sẽ cho phép Hong Kong “quyền tự trị cao cấp”, 
bao gồm việc cho phép bầu cử dân chủ để chọn ra đặc khu trưởng. Nhưng thỏa thuận này hầu như đã không được thực hiện 17 năm nay.
Hình ảnh Chân dung thủ lĩnh 17 tuổi của phong trào biểu tình Hong Kong số 1

Joshua Wong, thủ lĩnh 17 tuổi phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong

Bắc Kinh mới đây đã tuyên bố người dân Hong Kong chỉ có thể bầu ra lãnh đạo mới từ các ứng viên mà Bắc Kinh đã lọc ra từ trước. Đây chính là nguyên nhân khiến phong trào biểu tình đòi tự do dân chủ nơi đây bùng phát dữ dội.

Vào tháng 9/2012, phong trào Scholarism do Wong đứng đầu đã huy động thành công 120.000 người biểu tình, bao gồm 13 cuộc biểu tình tuyệt thực của giới trẻ. Các cuộc biểu tình diễn ra tại khu vực trụ sở chính quyền Hong Kong, khiến lãnh đạo đặc khu phải bãi bỏ đề xuất đem chương trình “Giáo dục đạo đức và quốc gia” vào các trường học Hong Kong của Bắc Kinh.

Khi ấy Wong nhận ra rằng giới trẻ Hong Kong nắm giữ một quyền lực rất lớn, CNN nhận định.

Hồi tháng 6, Scholarism đã thảo ra một kế hoạch cải cách cách thức bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong và kế hoạch này đã giành được sự ủng hộ của gần 1/3 cử tri trong một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức.
Sang tháng 7, phong trào của Wong tiến hành một cuộc biểu tình ngồi, khiến quan chức Trung Quốc phải lên tiếng cảnh cáo. Lần đó khoảng 511 người đã bị bắt, theo CNN.

Đến tháng 8, cậu sinh viên năm nhất với vẻ bề ngoài có vẻ hiền lành, rụt rè khiến người đối diện dễ lầm tưởng cậu là một người yếu ớt, nhưng bên trong lại là một “chiến binh” thực sự với nội lực và quan điểm chính trị mạnh mẽ đã quyết định nghỉ học để dẫn đầu hàng ngàn học sinh, sinh viên xuống đường đấu tranh đòi dân chủ cho Hong Kong.

Trong tuần này, Scholarism đang huy động sinh viên bãi khóa, một hành động có tác động rất lớn khi Hong Kong là một nơi coi trọng giáo dục, để gửi thông điệp đòi dân chủ đến Bắc Kinh.
Hình ảnh Chân dung thủ lĩnh 17 tuổi của phong trào biểu tình Hong Kong số 2

Phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên đã thu hút sự ủng hộ to lớn của người dân Hong Kong

Là người sáng lập ra nhóm sinh viên vì dân chủ Scholarism, Wong tuyên bố: “Phổ thông đầu phiếu là sứ mệnh của thời đại hiện nay, và thời đại này thuộc về thanh niên, bởi thế hãy để thanh niên hoàn tất sứ mệnh của mình. Thanh niên sẽ luôn là những người tiên phong”.

Cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên do Wong dẫn đầu đã thu hút được sự ủng hộ to lớn của người dân Hong Kong. Hàng trăm giáo sư đại học, liên đoàn giáo viên Hong Kong đều bày tỏ sự đoàn kết với phong trào đấu tranh của Wong. Hầu hết các trường đại học Hong Kong tuyên bố sinh viên tham gia biểu tình sẽ không bị trừng phạt. Lãnh đạo các trường học cam kết sẽ khoan dung cho các sinh viên bãi khóa để tham gia biểu tình và hiệp hội giáo viên lớn nhất Hong Kong đã đưa ra khẩu hiệu kêu gọi “Đừng để sinh viên biểu tình bơ vơ một mình”.

Joshua Wong đã bị bắt vào tối 26/9 trong khi đang cùng các sinh viên biểu tình tiến vào khu vực trụ sở chính quyền Hong Kong.

Cảnh sát đã lục soát phòng trọ trong ký túc xá của sinh viên này và đã tịch thu một số thứ, bao gồm máy tính và điện thoại, các nhà tổ chức biểu tình cho hay.
Hình ảnh Chân dung thủ lĩnh 17 tuổi của phong trào biểu tình Hong Kong số 3

Wong bị bắt tối 26/9 nhưng sau đó đã được thả ra hôm 28/9 và không bị truy tố gì

Sinh viên 17 tuổi này còn cáo buộc rằng, từ các hãng thông tấn thay đổi cách đưa tin để thể hiện xu hướng thân Bắc Kinh, cho đến “thói ưu đãi người nhà” khi các chính trị gia thân Bắc Kinh luôn giành được những vị trí cao trong chính quyền, Hong Kong đang nhanh chóng trở thành nơi “không khác gì so với các thành phố Trung Quốc khác đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương”.

Đó là lý do vì sao Wong tập trung chú ý đến việc đấu tranh giành quyền tự bỏ phiếu chọn lãnh đạo. Nhóm của Wong, vốn hiện có khoảng 300 thành viên, đã trở thành một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất của phong trào đòi dân chủ tại Hong Kong, theo CNN.

Tuy nhiên, sau đó tòa án Hong Kong đã ra phán quyết thả tự do cho Wong vô điều kiện sau hơn 40 giờ cậu bị giam giữ, và không có cáo buộc truy tố nào chính thức được đưa ra. Sau khi được thả ra khỏi đồn cảnh sát, Wong lại bắt tay ngay vào cuộc đấu tranh của mình.
Trả lời phỏng vấn CNN, Wong tự tin: “Tôi không cho rằng cuộc đấu tranh của chúng tôi sẽ kéo dài quá lâu. Nếu bạn nghĩ rằng đấu tranh vì dân chủ là một cuộc chiến lâu dài, phức tạp mà bạn vẫn đủng đỉnh, bạn sẽ không bao giờ đạt được điều đó”.
Yên Yên (Tổng hợp)
 

                                           Hong Kong - Cách Mạng Dù bung cánh

 

 
Dân Làm Báo - Những chiếc dù màu sắc được dùng để chống trả lại lựu đạn cay, vòi nước đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến giữa tự do và độc tài tại Hong KongThe Umbrella Revolution / Cuộc Cách Mạng Dù đã được rộng mở. 
 
Cuộc biểu tình đã kéo dài sang ngày thứ ba và những lãnh đạo phong trào tuyên bố rằng thứ Tư ngày 1 tháng 10 sẽ là thời hạn chót để giới cầm quyền đáp ứng những yêu cầu của quần chúng, nếu không thì phong trào sẽ đưa ra những chiến dịch bất tuân dân sự mới.
 
Liên hội Sinh viên Hong Kong và Scholarism đã ra "tối hậu thư" cho toàn quyền Hong Kong phải có trả lời rốt ráo các yêu cầu của sinh viên / học sinh Hong Kong cũng như yêu cầu được quyền phổ thông đầu phiếu từ phong trào Occupy Central. Yêu cầu của phong trào là một cuộc bầu cử tự do cho vị trí lãnh đạo cao nhất của thành phố là Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, thay vì chỉ có 2, 3 ứng viên được chọn lựa trước bởi Bắc Kinh
 
Điều khó khăn của giới chức Hong Kong và nhất là giới lãnh đạo cộng sản tại Bắc Kinh là vấn đề không chỉ nằm trong cuộc bầu cử thành phố mà còn là tương lai của Hong Kong - trung tâm tài chánh lớn thứ hai thế giới - trong vị trí bán tự chủ và viễn ảnh phong trào dân chủ sẽ lây lan sang lục địa. 
 
Hiện tại, theo thông báo của Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh vào sáng thứ Ba thì chính quyền Trung ương sẽ không thay đổi quan điểm và chính sách đối với Hong Kong và yêu cầu phong trào Occupy Central rút lui, giải tán. Chính quyền đặc khu chưa yêu cầu PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân) triển khai lực lượng 6.000 lính chính quy dự trù cho Hong Kong vì thấy chưa thật sự cần thiết. 
 
Nhiều người cho rằng bằng mọi giá Bắc Kinh phải đàn áp những người biểu tình để "vi khuẩn tự do" không bị "truyền nhiễm" ra toàn quốc. 
 
 
Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã lên án và bưng bít mọi thông tin về cuộc biểu tình tại Hong Kong đối với quần chúng lục địa. Theo USA Today, hệ thống Instagram,TwitterFacebook và Youtube đã bị kiểm duyệt và ngăn chặn. Theo CNN, mọi tin tức, bình luận, hình ảnh về Hong Kong đều bị kiểm duyệt và chặn tường lửa. Truyền thông của đảng đã đăng tải rất ít về cuộc biểu tình và nếu có thì chỉ đề cập rất ngắn gọn bản tin trong đó Trưởng đặc khu Hong Kong là Lương Chấn Anh tuyên bố những gì đang xảy ra tại Hong Kong chỉ là một cuộc tụ tập bất hợp pháp. 
 
Tuy nhiên, sẽ rất khó để Bắc Kinh có thể hoàn toàn bưng bít mọi thông tin và những gì đang xảy ra tại Hong Kong đối với người dân trong nước khi mà mỗi năm có đến 40 triệu người từ lục địa ghé Hong Kong. Đó là chưa kể hàng triệu người dân Trung Hoa đang làm việc khắp thế giới, theo dõi những gì đang xảy ra và liên lạc với gia đình, bạn bè trong nước.
 
Bên cạnh những biện pháp bưng bít thông tin, nhà cầm quyền cộng sản cũng đã dùng thế phản công bằng cách sử dụng những nhóm thân Bắc Kinh có tên gọi là"thành phần thầm lặng đa số" để lên án thanh niên, sinh viên biểu tình đang làm xáo trộn đời sống và tạo ra những hiểm nguy cho thành phố. 
 
Cuộc Cách Mạng Dù và tên gọi của nó cũng tạo nên niềm hứng khởi khiến nhiều người bước ra khỏi nhà và hòa vào dòng người cùng với những sinh viên học sinh đang chiếm cứ tại các đường phố bận rộn nhất của Hong Kong. Cuộc biểu tình có thể gia tăng số lượng vào thứ Tư và thứ Năm vốn là ngày nghỉ lễ quốc khánh, đánh dấu 65 năm đảng cộng sản nắm quyền. 
 
 
Đây cũng là lần đầu biểu tình đối với nhiều người dân Hong Kong. Một số cho báo chí biết họ quyết định tham gia sau khi chứng kiến cảnh sát dùng lựu đạn cay tấn công những sinh viên học sinh tranh đấu ôn hòa. 
 
 
Điểm cần ghi nhận về tính kỷ luật tranh đấu ôn hòa của thanh niên sinh viên Hong Kong là sau nhiều ngày biểu tình, vẫn không có một hàng quán nào bị đốt phá hay cướp giật. Một nhà báo Anh đã viết về hai đêm biểu tình tại Hong Kong như sau: không một chiếc xe bị lật nhào, không một xe cảnh sát bị đốt cháy, không một cửa hàng nào bị đập phá bị hôi của, và người biểu tình tham gia dọn dẹp vệ sinh, phân loại rác thải sau mỗi đêm... Tất cả nhịp nhàng và ôn hòa. Và điều đó tạo được thiện cảm của nhiều người bên ngoài Hong Kong. 
 
 
Các điểm chính mà phong trào Occupy Central with Love and Peace (OCLP) hiện đang tập trung ở Hong Kong gồm có: Admiralty (Khu Trung tâm hành chính có trụ sở chính quyền); khu Causeway Bay (Khu Tài chính ở đảo Hương Cảng); và khu Mong Kok ở bán đảo Kowloon. 
 
 
Thông điệp gửi đi từ Twitter của Phong trào Occupy Central with Love and Peace(OCLP) như sau: Mặc dù người dân Hong Kong đã bị tấn công bởi chính phủ và lực lượng cảnh sát, nhưng chúng tôi đã không trả đũa, thậm chí không một lần. Chúng tôi từ chối việc trở thành kẻ thù của họ. 
 
 
Trên đường phố một khẩu hiệu rất hay đã được hô vang đêm thứ Ba để mọi người có thể đoàn kết lại với nhau là "They can't kill us all!" - "Họ không thể giết hết chúng ta!". 
 
 
Trong khi đó, "Phong trào Đoàn kết cùng Hong Kong" - Global SolidarityHong Kong - đang nhân rộng ra khắp các thành phố lớn trên thế giới. Tất cả sẽ cùng tuần hành hoặc biểu tình ngồi vào ngày 01/10 này để bày tỏ sự ủng hộ Hong Kong. Một số nơi còn chọn dress code là đồng phục màu đen và ribbon vàng trên ngực áo như là cách mà họ muốn gởi đến Hong Kong sự đoàn kết của họ. 
 
 
 
Dân Làm Báo tổng hợp
 
***********************************************************************************************************************
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Vũ Đông Hà (Danlambao) - "Tôi kiên quyết tuân thủ nguyên tắc bất bạo động, kể cả tránh sỉ vả cảnh sát, và tránh khiêu khích cảnh sát, vì họ chỉ chấp hành thượng lệnh. Chúng tôi cũng sẽ không xô xát với cảnh sát..." Câu nói của Joshua Wong mang dấu ấn đặc thù của phong trào Phản kháng Otpor của Serbia. Mặc dù những lãnh đạo phong trào tại Hong Kong không làm việc trực tiếp với Otpor như Phong trào 6 tháng 4 tại Ai Cập để làm nên cuộc cách mạng Hoa Lài, những quan điểm nền tảng cũng như phương thức đấu tranh bất bạo động của Otpor đã được sử dụng triệt để.

72 giờ trước khi phát động biểu tình tổ chức Occupy Central with Love and Peace / Chiếm Trung Tâm với Tình Yêu và Hòa Bình đã phổ biến một Cẩm nang về Bất tuân Dân sự (*). Kết quả cho đến bây giờ là một cuộc biểu tình cả trăm ngàn người mang tính kỷ luật khiến cho rất nhiều người ngưỡng mộ, trong đó có Srdja Popovic - một lãnh đạo của phong trào Otpor. "It's brilliant / Tuyệt vời" - anh viết trong một email trao đổi những gì đang xảy ra ở Hong Kong, ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam, cũng như cảm nhận của giới hoạt động tại Việt Nam.

Chiếm đóng Trung Tâm và hình ảnh cả trăm ngàn người đổ ra đường phố Hong Kong sẽ khó xảy ra nếu 2012 không có Joshua Wong Chi-fung và nhóm Scholarism khởi xướng cuộc biểu tình 120.000 học sinh sinh viên. Cuộc biểu tình 2012 có được cũng nhờ vào cậu học trò 15 tuổi nhưng suy nghĩ không thua gì một nhà chiến lược lão luyện:

- Chọn vấn đề (trong Đấu Tranh Bất Bạo Động - gọi là pick the issue) có ảnh hưởng trực tiếp với đối tượng vận động: chống lại Chương trình Giáo dục Quốc gia áp đặt bởi Bắc Kinh buộc học sinh phải có cảm tình với cộng sản Hoa Lục.

- Chọn mô hình tổ chức mang tính phong trào - Scholarism với thành viên toàn là học sinh thay vì đảng phái vốn có nhiều giới hạn và suy tính cục bộ.

- Chọn phương thức đấu tranh phù hợp với khả năng, tinh thần của thành viên vốn là những học sinh trung học: bất tuân dân sự.

- Xây dựng thực lực và tìm kiếm hỗ trợ trong tiến trình tranh đấu. Joshua Wong và những người sáng lập Scholarism ngay từ đầu biết rõ họ không chỉ dừng lại ở việc tranh đấu chống giáo dục cưỡng ép chính trị. Ngược lại họ đã xác định sinh viên học sinh là thành phần tiên phong trong các phong trào dân chủ. Do đó Scholarism đã tiếp tục tập trung vào việc xây dựng thực lực (capacity building), gia tăng thành viên nòng cốt lên đến 300 người, nghiên cứu và học hỏi những phương pháp đấu tranh cũng như những ứng dụng công nghệ thông tin.

Thành công của những học sinh chưa đến độ tuổi trưởng thành ấy ít nhiều đã mở đường cho chủ trương của nhóm Occupy Central mà thành phần lãnh đạo là những người lớn tuổi như giáo sư đại học Benny Tai, Dr. Chan Kin-man, Mục sư Chu Yiu-ming. Chủ trương "bất tuân dân sự" đã được giáo sư Benny Tai đưa ra năm 2013 với lời tuyên bố "Bất tuân dân sự là vũ khí mạnh nhất của chúng ta".

Bên cạnh 2 nhóm Scholarism và Occupy Central là Hiệp hội học sinh Hong Kong (Hong Kong Federation of Student). Hiệp hội này đã có từ năm 1958 và có gần 100.000 thành viên với mục tiêu đẩy mạnh phong trào sinh viên học sinh và gia tăng sự tham gia xã hội của giới trẻ.

Cuộc biểu tình Chiếm Đóng Trung Tâm và đang biến dần thành cuộc Cách Mạng Dù là sự kết hợp tuyệt vời của 3 tổ chức chính trên. Những người lãnh đạo già dặn của Occupy Central đóng vai trò làm kế hoạch và tổ chức biểu tình; Scholarism giữ chức năng tiên phong và làm trỗi dậy tinh thần tuổi trẻ Hong Kong đúng như Joshua Wong đã định vai trò của nhóm mình 2 năm về trước; Hiệp hội học sinh với một mạng lưới nhân sự rộng rãi đã đóng một vai trò lớn trong việc vận động người tham gia.

Và đằng sau những tổ chức này là sự hỗ trợ tài chánh, vật lực và tinh thần từ một số thành phần giàu có của Hong Kong chống lại guồng máy Bắc Kinh. Nổi bật là nhà tài phiệt trong ngành xuất bản và truyền thông - ông Jimmy Lai.

Kết quả là cuộc Cách Mạng Dù đang diễn ra làm rúng động Bắc Kinh.


No comments:

Post a Comment